Cần phân hạng khi tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang
Đó là quan điểm của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh khi tham gia thảo luận trực tuyến ngày 28.10 về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, lực lượng TNXP (tiền thân là Đội TNXP được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã không ngừng lớn mạnh, có 670 nghìn đội viên qua các thời kỳ. Đây là lực lượng tập trung, có tổ chức chặt chẽ được giao nhiệm vụ cụ thể, vừa sản xuất, học tập, vừa phục vụ, tham gia chiến đấu có nhiều hy sinh, cống hiến. TNXP cũng là môi trường rèn luyện cho thế hệ trẻ, bổ sung lực lượng cho quân đội chính quy.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, Huy chương TNXP vẻ vang cần phân chia hạng 1, 2, 3 như Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Ảnh: MAI LÂM
Về cơ bản, các đội viên TNXP qua các thời kỳ đã được tặng bằng khen của UBND cấp tỉnh trở lên. Trung ương Đoàn cũng tặng kỷ niệm chương cho lực lượng TNXP. TNXP cũng được hưởng các chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công.
Tuy nhiên, có một con số rất băn khoăn, trăn trở: Khoảng 588 nghìn TNXP chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến, trong đó nhiều người lớn tuổi, đã mất. “Việc tặng Huy chương TNXP vẻ vang không chỉ có ý nghĩa động viên đối với TNXP, mà còn góp phần thực hiện chính sách thi đua - khen thưởng thời kỳ kháng chiến, có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ”, đại biểu Hạnh nói.
Bày tỏ nhất trí bổ sung quy định về Huy chương TNXP vẻ vang (điều 55 Dự thảo Luật), tuy nhiên đại biểu Hạnh cho rằng, không tặng huy chương đồng nhất một hạng. Thay vào đó, cần phân hạng 1, 2, 3 như Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, căn cứ vào thời gian tham gia, mức độ cống hiến và thành tích của từng người. Làm vậy sẽ thể hiện sự trân trọng, vừa đảm bảo chặt chẽ, công bằng đối với sự cống hiến, hy sinh của từng đội viên TNXP, tương thích với hệ thống pháp luật về thi đua - khen thưởng hiện nay.
Bên cạnh đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng bày tỏ băn khoăn về việc tước danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định tại khoản 4, Điều 93 Dự thảo Luật.
Nguồn: BTV
Trong hệ thống 7 danh hiệu vinh dự Nhà nước tặng cho cá nhân, có 6 danh hiệu từ thành tích do tự thân người đó làm nên; riêng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là sự ghi nhận sự hy sinh xương máu của chồng, con, mẹ của người được tặng, liên quan đến thân nhân liệt sĩ. Do đó, cần hết sức cân nhắc việc đưa quy định về việc tước danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” thành một điều khoản trong Luật.
Ngoài ra, về tên gọi, đại biểu Hạnh cho rằng, Dự thảo Luật lần này có phạm vi sửa đổi rộng, cơ bản, toàn diện, do đó nên đặt tên là “Luật Thi đua - Khen thưởng” gắn với năm ban hành.
MAI LÂM