Phù điêu voi tại phế tích tháp Lai Nghi
Từ cuộc khai quật khảo cổ tại phế tích tháp Lai Nghi (huyện Tây Sơn) năm 2013, Bảo tàng tỉnh đã có được bộ sưu tập phù điêu voi bằng đất nung (ảnh). Trong số 23 hiện vật được tìm thấy, có 5 hiện vật còn nguyên vẹn, 18 hiện vật là dạng mảnh đầu, thân, tai voi. Đến nay, đây là bộ sưu tập phù điêu voi bằng đất nung hoàn chỉnh, có số lượng nhiều nhất và đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Phù điêu voi bằng đất nung tại phế tích tháp Lai Nghi còn nguyên vẹn có kích thước: Cao 53 cm, rộng 15 cm, dày 12 cm. Hình tượng voi thể hiện dạng phù điêu trang trí với cách tạo hình chân thực, sống động đứng trên khối đế chữ nhật, dáng chuyển động như đang đi tới, mặt nhìn nghiêng, hai tai xòe ngang, hai mắt mở to nhìn về một phía; voi có ngà như mới nhú ra, vòi uốn cong vắt lên thân sau, bàn chân khắc chìm những hình bán nguyệt tạo thành móng chân…
Những bức phù điêu voi bằng đất nung được phát hiện tại phế tích tháp Lai Nghi có thể dùng để gắn vào phần chân tường trên của ngôi tháp hoặc gắn vào hai bên cửa giả của các tầng trên ngôi tháp để trang trí trong cấu kiện của đền tháp Champa.
Theo các nhà nghiên cứu, phù điêu voi bằng đất nung được phát hiện tại phế tích tháp Lai Nghi có niên đại khoảng nửa sau thế kỷ XII, là những phù điêu voi cuối cùng mang ảnh hưởng của truyền thống Champa - khi mà ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer vào Champa đã trở nên rõ nét.
ĐOAN NGỌC