Quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh: Cụ thể, linh hoạt và áp sát thực tế đời sống
Thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017, Thông tư số 32/2018 của Bộ NN&PTNT quy định phương pháp định giá rừng, khung giá rừng, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 56/2021 Quy định về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh, hiệu lực từ ngày 25.9.
Theo Quyết định 56, khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh gồm: Rừng tự nhiên (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); rừng trồng do Nhà nước đầu tư (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) và rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng theo quy định của pháp luật. Những loại rừng không thuộc 3 loại rừng kể trên thì áp dụng như rừng sản xuất.
Một khu vực rừng ở huyện An Lão. Ảnh: HOÀI THU
Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm): Trước đây, giá rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tính theo trữ lượng rừng (rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo), còn Quyết định 56 quy định cụ thể hơn cho từng loại rừng theo chức năng; độ cao (như rừng tự nhiên có độ cao dưới 300 m, từ 300 đến 700 m, trên 700 m); khu rừng có cung ứng và khu rừng không cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, khung giá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh còn căn cứ giá trị các loại cây để chia thành 4 khu vực: An Lão - Hoài Ân - Hoài Nhơn; Vĩnh Thạnh - Tây Sơn; Quy Nhơn - Vân Canh - Tuy Phước - An Nhơn; Phù Cát - Phù Mỹ. Đối với Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm trực thuộc ở các địa phương trong tỉnh, sẽ có thêm căn cứ theo quy định mới về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh để áp dụng trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: Công ty hiện có 1.500 ha rừng trồng; quản lý và bảo vệ 10.500 ha rừng tự nhiên ở huyện Vĩnh Thạnh. Quy định về khung giá các loại rừng giúp cho chúng tôi có được cơ sở để áp dụng trong công việc có liên quan đến giá rừng thời gian tới. Quyết định 56 thể hiện mức độ linh hoạt, áp sát thực tế đời sống của tỉnh ta. Hơn nữa quy định cũng nêu rõ khung giá rừng sẽ được xem xét điều chỉnh trong trường hợp khi các yếu tố hình thành giá rừng có biến động tăng hoặc giảm trên 20% so với giá quy định hiện hành liên tục trong thời gian 6 tháng trở lên.
Nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh cũng đã biết thông tin, bước đầu có sự đón nhận tích cực quy định về khung giá các loại rừng. Ông Huỳnh Phong, hộ trồng hơn 20 ha rừng ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, chia sẻ: Người trồng rừng cần tìm hiểu về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh, nắm bắt trước những quy định mới có liên quan đến việc trồng rừng của mình. Quy định cụ thể như vậy sẽ góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề về giá rừng phù hợp với thực tế rừng ở địa phương.
Quy định về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh làm căn cứ để tính tiền trong các trường hợp: Nhà nước thu hồi rừng, thanh lý rừng; tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Góp vốn, cổ phần hóa hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước. Có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; thiệt hại do thiên tai, cháy rừng và các thiệt hại khác; xác định giá trị rừng phục vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến rừng. Định giá rừng khi cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng mới chưa thành rừng. Ngoài ra, còn trong các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
HOÀI THU