Phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt và sạt lở
Việc dự lường các tình huống, đề ra phương án để phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai, nhất là tình trạng ngập lụt và sạt lở đất, đá, là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão năm nay.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh như: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và TP Quy Nhơn đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất, đá làm người bị thương, đường giao thông hư hỏng, chia cắt cục bộ ở một số khu vực. Ngoài ra, một số nơi ở huyện Tuy Phước, Phù Cát, TP Quy Nhơn cũng đã bị ngập lụt.
Nhà dân nằm cheo leo ngay sát sườn núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) - khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tại khu vực núi Đá (thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện An Lão), mưa lớn những ngày qua khiến cho 60 hộ dân/235 nhân khẩu sống ở dưới chân núi nơm nớp lo núi lở. Anh Võ Thanh Tây, nhà ngay chân núi, tâm tư: “Cứ vào mùa mưa thì có đá trên núi lăn xuống nhà. Biết là ở đây sẽ gặp nguy hiểm nhưng nhà cửa ở từ xưa, giờ biết chỗ nào mà chuyển đi. Khi nào mưa lớn, thì mình di tản cả nhà và một số tài sản có giá trị qua nhà người quen, xem đây là cách phòng tránh”.
Ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn xã An Hòa có 2 khu vực có nguy cơ cao về sạt lở là núi Đá và núi Đá Chồng (thôn Vạn Long, có 12 hộ/42 nhân khẩu). Đây là 2 khu vực có nền đất thiếu ổn định, bề mặt nhiều đá tảng mồ côi, độ kết dính không cao. Khi mưa lớn kéo dài trên 3 ngày sẽ dễ xảy ra sạt lở đất, đá.
“Ðể tránh tình trạng lúng túng vì lực lượng phân tán, vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, vừa ứng phó thiên tai, các địa phương, các ngành phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Lực lượng nào chỉ huy phòng, chống dịch sẽ tập trung dập dịch, truy vết, phong tỏa, cách ly; còn lực lượng phòng, chống thiên tai sẽ thực hiện phương châm “4 tại chỗ” với đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và lên phương án được phê duyệt để sẵn sàng ứng phó. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng
(Trích trao đổi với phóng viên khi đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại huyện An Lão, ngày 27.10)
Trong khi đó, tại TP Quy Nhơn, sáng 25.10, một phần vách núi Bà Hỏa (ở độ cao khoảng 10 - 20 m so với mặt đường, thuộc phường Lê Hồng Phong) đã bị sạt lở rơi xuống đường Nguyễn Tất Thành nối dài (đoạn gần nút giao thông ngã 5 Đống Đa), làm 3 người đi đường bị thương. Ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, phường đã đi khảo sát và xác định trên địa bàn có 2 khu vực, gồm núi Một (thuộc KV 1), có 17 hộ/45 nhân khẩu và núi Bà Hỏa (KV 5) có 5 hộ/19 nhân khẩu, nằm trong khu vực nguy hiểm khi sạt lở xảy ra.
Theo khảo sát của các ngành chức năng tỉnh, toàn tỉnh có 65 khu vực trọng điểm ngập lụt với 8.635 hộ/31.623 người bị ảnh hưởng; có 51 khu vực có nguy cơ về sạt lở đất, đá, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và chia cắt giao thông khi xảy ra sạt lở.
Bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Văn Nam, cho biết: Đối với 10 khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá và 2 khu vực trọng điểm bị ngập lụt trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các địa phương lên phương án cụ thể di dời người dân và tài sản nằm trong vùng nguy hiểm khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chủ quan và có tâm lý e ngại nếu phải di dời. Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ hiệp đồng chặt chẽ đến từng DN và cá nhân có các phương tiện như máy múc, xe ủi, cưa lốc, ô tô… để sẵn sàng tham gia công tác PCTT-TKCN.
Đối với lực lượng quân đội, Bộ CHQS tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo quy định, sẵn sàng tham gia công tác PCTT-TKCN. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh cũng sẽ hiệp đồng với các đơn vị quân đội của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn sẵn sàng tham gia. Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, khẳng định: “Trong công tác phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai, lực lượng quân đội sẽ tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, lấy trung đội dân quân cơ động làm nòng cốt; chỉ huy chặt chẽ, tham mưu cho lãnh đạo các địa phương chỉ huy chung để xử lý hiệu quả các tình huống trong thiên tai”.
Một số khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá gây thiệt hại lớn về người, tài sản và đã có tiền lệ xảy ra sạt lở:
● Huyện An Lão: Thôn 3 xã An Dũng (đường mới từ xã An Dũng đi xã An Vinh, chia cắt thôn 3, có 214 hộ/1.023 nhân khẩu); đường từ xã An Quang đi xã An Toàn (chia cắt xã An Toàn và xã An Nghĩa, có 437 hộ/1.760 nhân khẩu).
● Huyện Vĩnh Thạnh: Ðường ÐH33 từ hồ Ðịnh Bình đến xã Vĩnh Sơn (cô lập xã Vĩnh Kim, có 567 hộ/2.050 nhân khẩu).
● TP Quy Nhơn: Núi Một (phường Ðống Ða).
HỒNG PHÚC