Cholesterol cao, khó có thai
Hàm lượng cholesterol cao có thể làm giảm sút khả năng thụ thai ở các cặp vợ chồng đang mong tin vui - các nhà nghiên cứu đến từ Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết.
"Từ dữ liệu của chúng tôi, có vẻ như hàm lượng cholesterol cao không chỉ làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch mà còn làm giảm cơ hội có thai của các cặp vợ chồng" - nhà nghiên cứu Enrique Schisterman đến từ Viện Sức khoẻ trẻ em và Phát triển con người quốc gia, một cơ quan thuộc NIH, nói.
Cholesterol là một chất dạng sáp, giống như chất béo, có trong tất cả các tế bào của cơ thể. Cơ thể cần cholesterol để tạo ra một số chất khác, trong đó có hormone và vitamin D. Nồng độ cholesterol trong máu cao thông thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào nhưng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm khoa học của NIH khảo sát 501 cặp vợ chồng không điều trị vô sinh nhưng đang cố gắng thụ thai trong thời gian từ năm 2005 đến 2009.
Phụ nữ tham gia nghiên cứu này ở độ tuổi từ 18 đến 44 còn đàn ông thì trên 18 tuổi. Các cặp vợ chồng được theo dõi cho đến khi mang thai hoặc cho đến khi đã cố gắng thụ thai trong 1 năm.
Trong số các cặp được khảo sát, 347 cặp mang thai trong thời gian 12 tháng nghiên cứu. 54 cặp không có con. 100 cặp rút khỏi cuộc nghiên cứu.
Các nhà khoa học đo lượng cholesterol của các cặp vợ chồng bằng cách thử mẫu máu của họ trước khi tham gia nghiên cứu. Thay vì đo lường lipoprotein mật độ thấp (thường được biết đến là cholesterol "xấu") và các loại cholesterol khác, họ đo toàn bộ cholesterol tự do trong máu.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, tính trung bình, những cặp vợ chồng không mang thai trong thời gian nghiên cứu có hàm lượng cholesterol tự do cao nhất.
Nhìn chung, hàm lượng cholesterol tự do cao có liên quan đến thời gian cố gắng thụ thai kéo dài hơn và tỉ lệ thụ thai thấp hơn.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các cặp vợ chồng đang mong mỏi có con có thể cải thiện cơ hội làm bố mẹ của mình bằng cách trước hết phải đảm bảo hàm lượng cholesterol trong máu của mình ở mức chấp nhận được" - ông Schisterman khuyên.
Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng trên Tạp chí Nội tiết lâm sàng & chuyển hoá của Mỹ (U.S. Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism).
Tố Uyên (Theo BioScience)