Xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở ở các khu vực trọng điểm
(BĐ) - Chiều 29.10, Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức buổi nghiệm thu theo hình thức trực tuyến đối với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS, Viễn thám và địa kỹ thuật để khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm tỉnh Bình Định và đề xuất các giải pháp ứng phó”. TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN chủ trì Hội đồng nghiệm thu.
Các thành viên Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá cao đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn, mang lại lợi ích lớn về mặt xã hội. Ảnh: HỒNG HÀ
Đề tài do Th.S Nguyễn Kim Long, Viện Địa công nghệ và Môi trường Tổng hội Địa chất Việt Nam chủ nhiệm, đặt ra ba mục tiêu cụ thể, gồm: Đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng các công cụ GIS, ảnh viễn thám và dữ liệu mưa vệ tinh để khoanh vùng và dự báo nguy cơ trượt lở đất đá tại các khu vực trọng điểm đó; Đề xuất các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do tai biến trượt lở đất đá trên các khu vực trên.
Sau 27 tháng thực hiện, tác giả đề tài đã xác định nguyên nhân trượt lở mái dốc ở Bình Định chủ yếu xảy ra ở các mái dốc tạo do khai đào phát triển hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, thủy điện, khu tập trung dân cư và khai thác vật liệu xây dựng. Các hiện trường mất ổn định mái dốc gồm hai loại chính là trượt đất và đá đổ. Nguyên nhân là góc dốc lớn, đất đá có sức chống cắt giảm mạnh khi bị nước mưa tẩm ướt. Hiện tượng trượt lở lớn còn liên quan đến rừng sản xuất trồng cây keo lai trên đất dốc.
Bằng việc sử dụng ảnh viễn thám, UAV kết hợp với khảo sát thực địa cho phép xây dựng được bản đồ hiện trạng trượt lở ở các khu vực trọng điểm của tỉnh. Dọc theo tuyến đường An Hòa - An Toàn (huyện An Lão) đã xác định có 187 điểm nguy cơ trượt lở, tuyến đường tỉnh lộ 639, đoạn Cát Hải, Cát Tiến của huyện Phù Cát 168 điểm nguy cơ trượt lở và khu vực núi Bà Hỏa của TP Quy Nhơn 35 điểm nguy cơ trượt lở.
Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài và xếp loại Đạt.
HỒNG HÀ