Sửa đổi, bổ sung Luật để tăng hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi, bổ sung đang được Bộ VH-TT&DL tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan chức năng và nhân dân (từ ngày 1.10 - 1.12) để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến (dự kiến tại kỳ họp tháng 5.2022) và thông qua (dự kiến tại kỳ họp tháng 10.2022).
Với hơn 13 năm ra đời và thực thi, bên cạnh hiệu quả là căn cứ pháp lý cho công tác phòng, chống BLGĐ và góp phần cho công tác xây dựng gia đình nói chung, Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành được nhận định đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Kỳ vọng Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để phát huy hiệu quả hơn cho công tác phòng, chống BLGĐ. - Trong ảnh: Phụ nữ Hoài Ân trong một tiểu phẩm tự biên tự diễn nhân tham gia thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Ảnh: SAO LY
Đơn cử như khái niệm, biểu hiện, tính chất, mức độ hành vi BLGĐ, mâu thuẫn, tranh chấp trong Luật chưa được làm rõ, từ đó nhận diện chưa đầy đủ về hành vi BLGĐ. Khiến nhận thức về BLGĐ còn bị xem nhẹ hoặc cho đó là việc riêng của mỗi gia đình, dẫn đến những bất cập trong triển khai các biện pháp phòng, chống BLGĐ; hạn chế vai trò, trách nhiệm tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết của các cấp, ngành và cộng đồng. Luật còn trống các quy định mang tính tiêu chí về các yêu cầu đối với đội ngũ tham gia công tác phòng, chống BLGĐ, nhất là ở cơ sở. Như quy định về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ... của tổ hòa giải, hòa giải viên để đảm bảo hiệu quả cho công tác. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, quyền riêng tư chưa được chú trọng. Các biện pháp cấm tiếp xúc chưa phát huy tác dụng thực sự trong bảo vệ nạn nhân BLGĐ. Hình thức phạt tiền đối với người có hành vi BLGĐ chưa được quy định cụ thể. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân chính là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân về sau không muốn tố cáo hành vi BLGĐ. Ngoài ra, Luật chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ...
Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi gồm 9 chương, 80 điều (tăng 34 điều so với Luật hiện hành). Trong đó, đã sửa đổi các quy định về điều kiện, thẩm quyền và thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa nạn nhân và người bạo hành. Đồng thời, bổ sung quy định mới về báo tin BLGĐ; nguyên tắc ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ; quy định về giám sát người có hành vi BLGĐ; sử dụng phương tiện, thiết bị hỗ trợ để xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ… Nói chung, cơ sở của việc sửa đổi, hoàn thiện pháp lý về công tác phòng, chống BLGĐ tập trung vào các nội dung chính như: Tăng cường biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; xây dựng cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống BLGĐ; khuyến khích xã hội, cộng đồng tham gia công tác này.
KHẢI THƯ