PHÁT TRIỂN CHI, TỔ HỘI NGHỀ NGHIỆP Ở HUYỆN TÂY SƠN :
Thêm việc làm, tăng thu nhập
Qua 6 năm thực hiện Đề án số 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp của nông dân, đến nay Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã xây dựng được 3 chi hội, 46 tổ hội nghề nghiệp và 15 tổ hợp tác trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên.
Tổ hội nghề nghiệp đan nhựa gia công (Chi hội nông dân thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh) có 10 hộ thành viên, chuyên gia công bàn ghế nhựa theo đơn hàng của Công ty TNHH tổng hợp Hoàng Gia (Cụm công nghiệp xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), hoạt động theo chuỗi từ khâu tạo hình đến hoàn chỉnh sản phẩm và giao hàng. Mỗi ngày sản xuất khoảng 150 sản phẩm. Thu nhập từ việc làm thêm những lúc rảnh rỗi này cũng mang lại cho mỗi người 1,5 triệu đồng/ tháng. Ông Lê Thanh Trúc, thành viên của Tổ cho biết: Tham gia Tổ tôi có thêm một nghề phụ lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập.
Tổ hội nghề nghiệp đan nhựa gia công ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Ảnh: ĐÀO MINH TRUNG
Ngoài ra, ở xã Tây Vinh còn có Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với 20 hộ thành viên. Trong sinh hoạt, các thành viên của Tổ cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau ứng dụng tiến bộ KHKT để dần dần hình thành được bộ kinh nghiệm dùng chung. Nhờ vậy chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, đàn bò của Tổ đã lên tới hơn 200 con, gần gấp đôi so với lúc mới thành lập. Để hỗ trợ Tổ, UBND xã Tây Vinh đã cấp 3 ha đất trồng cỏ Mombasa làm thức ăn cho bò, Dự án Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh cho 6 hộ thành viên còn khó khăn về vốn được vay tổng cộng 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 năm để đầu tư phát triển chăn nuôi. Ông Nguyễn Đức Nam, thành viên của tổ chia sẻ: Điểm quý nhất khi tham gia tổ hội mà tôi thu nhận được chính là việc được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi bò và được chính quyền xã hỗ trợ cấp đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Không chỉ có vậy, nhờ Hội Nông dân huyện tạo môi trường xúc tác, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp còn tự mình tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm ăn để cùng nhau phát triển.
Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn cho biết: Thực tế cho thấy việc xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp nông dân đã đáp ứng được nhu cầu của chính đáng bà con nông dân. Trừ thời gian ban đầu cần được hỗ trợ về tổ chức, tiếp nhận các chính sách ưu đãi của nhà nước, còn lại khi đã vận hành đều, chính các thành viên sẽ xác lập nội dung hoạt động, tìm ra lối đi phù hợp cho mình. Và đó chính là mục đích mà khi ban hành Đề án số 24, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quán triệt.
ĐÀO MINH TRUNG