Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Thời gian qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ nhiều nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương Đoàn và tỉnh, giúp nhiều thanh niên có cơ hội vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Trao “cần câu”
Sau nhiều năm làm công nhân in lụa ở TP Hồ Chí Minh, năm 2010, anh Bùi Khắc Bảo (SN 1983), Bí thư Chi đoàn Khu phố 1, phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) trở về quê thành lập cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng in, may áo quần đồng phục, áo Đoàn và phụ kiện. Từ đây, anh Bảo đã mạnh dạn đầu tư máy móc, tuyển thợ để nhận may đồng phục cho học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT, công ty và DN trong, ngoài tỉnh... Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở của anh Bảo cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung cấp nguyên liệu bị hạn chế, đơn hàng thu hẹp dần, phải cắt giảm nhân công…
Anh Bùi Khắc Bảo hướng dẫn thợ may hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: DUY ĐĂNG
Nắm bắt được những khó khăn của thanh niên trong khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã giải ngân 200 triệu đồng từ “Quỹ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” cho anh Bảo vay với thời hạn 2 năm, lãi suất 0,3%/năm, giúp anh tiếp tục duy trì sản xuất. Anh Bùi Khắc Bảo chia sẻ: “Nhờ vay được 200 triệu đồng, tôi có điều kiện mở rộng nhà xưởng, mua nguyên vật liệu, tuyển thêm nhân công có tay nghề cao để nhận những đơn hàng mới”.
Tương tự, anh Trần Quang Tiến (SN 1997) ở thôn An Giang Đông, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) cũng mong muốn khởi nghiệp thành công với nghề sản xuất, nuôi trồng nấm bào ngư xám ngay trên mảnh đất quê hương. Nhờ áp dụng KH-KT vào chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh nên trại nấm của anh Tiến phát triển tốt và cho năng suất cao. Bình quân hằng năm, trang trại sản xuất được gần 10 tấn nấm tươi, thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Tiến còn được Huyện đoàn Phù Mỹ hỗ trợ thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Agribio, sản xuất sản phẩm chủ lực là nấm Hoàng đế. Vừa qua, sản phẩm nấm Hoàng đế của anh đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Anh Trần Quang Tiến (giữa) giới thiệu sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu tại chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021. Ảnh: Tỉnh đoàn
Quan tâm công tác giúp thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp tại quê hương, các cấp Đoàn, Hội trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, DN tổ chức nhiều lớp tập huấn, giới thiệu và tư vấn việc làm, tư vấn nghề nghiệp, chuyển giao KH-KT cho hàng nghìn đoàn viên, hội viên thanh niên. Giai đoạn 2020 - 2021, các cơ sở Đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ 8.129 hộ thanh niên vay 404 tỷ đồng phát triển kinh tế; giúp 5 dự án được vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với số vốn 743,5 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 32 lao động; giúp 12 thanh niên được vay vốn từ 100 - 200 triệu đồng thông qua “Quỹ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn để phát triển kinh tế với tổng số tiền vay 2,77 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, các đoàn viên, hội viên thanh niên đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các cơ sở Đoàn, Hội còn thành lập nhiều mô hình kinh tế, CLB thanh niên làm kinh tế giỏi, thành lập nhiều nhóm sở thích dành cho thanh thiếu niên yếu thế để tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau khởi nghiệp, lập nghiệp…
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Theo Tỉnh Đoàn, hiện nay, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Đoàn chỉ dành cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và mỗi người cũng chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để xây dựng chuồng trại hoặc mua số lượng nhỏ con giống nên rất khó để thanh niên phát triển kinh tế.
Còn với vốn vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, muốn vay từ 50 triệu đồng trở lên, ĐVTN phải chứng minh được tính khả thi của mô hình kinh tế, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại hoặc phải có tài sản để thế chấp... Trong khi đó, đa số ĐVTN khi khởi nghiệp còn sống với gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng nhưng tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, không có tài sản thế chấp. Vì vậy, nhiều ĐVTN khó tiếp cận nguồn vốn này.
Một nguyên nhân nữa khiến việc khởi nghiệp gặp khó khăn là đầu ra của nông sản chưa ổn định, trong khi ĐVTN còn hạn chế trong tiếp cận thị trường; còn thiếu kiến thức KH-KT trong trồng trọt, chăn nuôi, quản trị nguồn vốn…
Anh Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, cho biết thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KH-KT về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức tham quan, học tập những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi... hỗ trợ ĐVTN duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. “Tỉnh Đoàn cũng sẽ đề xuất nâng cao hạn mức vốn vay Ngân hàng CSXH, kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục thẩm định hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện cho các dự án khả thi tiếp cận được nguồn vốn vay nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên”, anh Nguyễn Thành Trung nêu ý kiến.
DUY ĐĂNG