CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở HOÀI ÂN:
Nhiều chuyển biến tích cực
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường, cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, công tác bảo vệ môi trường ở Hoài Ân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Huyện Hoài Ân được xem là “thủ phủ” chăn nuôi heo của tỉnh, với tổng đàn heo trên 300 nghìn con. Chăn nuôi phát triển nhưng địa phương chưa có biện pháp xử lý chất thải, rác thải bền vững đã gây ảnh hưởng đến môi trường nông thôn. Để xử lý vấn nạn này, huyện đã thường xuyên phát động nhiều đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho hay: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu hút hàng trăm người dân địa phương tham gia. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức của người dân trong việc cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí gần 300 triệu đồng xây dựng, lắp đặt các bảng hiệu, pa nô tuyên truyền trực quan về công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải nhựa, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Hỗ trợ kinh phí cho các xã Ân Tường Tây, Ân Đức, Ân Phong, Ân Tường Đông… lắp đặt 12 camera giám sát môi trường ở các điểm nóng về xả rác thải sinh hoạt như tại khu vực Truông Gò Bông, cầu Mục Kiến, đèo Cây Cốc…
Học sinh tham gia thu gọn rác thải trên địa bàn thị trấn Tăng Bạt Hổ. Ảnh: N. HÂN
Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Cùng với đó, các địa phương đều đã xây dựng và duy trì các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường như: Tuyến đường tự quản do các hội, đoàn thể của huyện, xã phát động; mô hình điểm “CLB bảo vệ môi trường khu dân cư”; mô hình “5 không, 3 sạch”; mô hình “Phụ nữ với ANTT và bảo vệ môi trường”; “Phụ nữ chung tay hạn chế sử dụng túi ni lông”… Ngoài ra, 83 thôn, khu phố thuộc 15 xã, thị trấn đưa cam kết bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước. Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước đây, tại bãi rác Gò Đá, thuộc thôn Xuân Sơn, xã Ân Hữu thường xuyên xảy ra tình trạng lén lút vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Chủ tịch UBND xã Ân Hữu Trần Minh Khương, cho biết: Để xử lý triệt để vấn đề này, xã đã huy động lực lượng thu gom xác heo chết, đào hố chôn lấp và xử lý bằng hóa chất sinh học. Đồng thời, xã đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý các đối tượng lén lút vứt xác động vật chết ra môi trường; gắn camera quan sát tại chỗ... Nhờ vậy, đến nay tình trạng vứt xác động vật ra môi trường đã cơ bản được khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Tường, người dân sinh sống gần khu vực bãi rác Gò Đá cho hay, người dân địa phương rất ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do vứt xác động vật ra môi trường. Trước đây, tình trạng lén lút vứt xác gia súc ra môi trường hầu như ngày nào cũng diễn ra. Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân, xã đã tiếp thu và xử lý dứt điểm. Hiện nay công tác bảo vệ môi trường đã đi vào nề nếp, người dân rất hoan nghênh.
Ông Lê Hồng Chiêm, Trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho biết: Huyện xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần được duy trì thường xuyên, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Với trách nhiệm được giao, phòng sẽ tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ động tham mưu cho UBND huyện về phương án xử lý rác thải sinh hoạt bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
N. HÂN