Thể thao Bình Định - Thay đổi để phát triển - Kỳ 1: Ba “điểm nghẽn” cần khắc phục
LTS: Đạt được không ít thành tích ấn tượng ở đấu trường quốc gia, quốc tế, nhưng so với nhiều địa phương trong cả nước, thể thao Bình Định vẫn thiếu tính đột phá. Báo Bình Định thực hiện chuyên đề “Thể thao Bình Định - Thay đổi để phát triển”, ghi nhận thực trạng và các giải pháp mà ngành Thể thao hướng đến để đạt những mục tiêu cao hơn.
Thành tích của thể thao Bình Định trong những năm qua có vai trò rất lớn của HLV ở các bộ môn. Do đó, để giữ vững và nâng cao thành tích, thể thao Bình Định có ba “điểm nghẽn” cần khắc phục.
Chất lượng huấn luyện chưa đồng đều
Hiện nay, ngành Thể thao tỉnh có 34 HLV, tham gia đào tạo, huấn luyện ở 17 đội tuyển thể thao. Trong đó có 31 HLV trình độ đại học, 3 HLV trình độ khác. Phần lớn trong số các HLV thể thao Bình Định có xuất phát từ VĐV, sau khi giải nghệ được định hướng tiếp tục gắn bó với bộ môn trong công tác huấn luyện. Bên cạnh đó, một số HLV được đào tạo chuyên về huấn luyện, nhưng được bố trí không đúng với sở trường. Đơn cử như HLV Tôn Thất Lương Chính dù được đào tạo chuyên sâu về bóng ném ở Trường ĐH TDTT, nhưng lại được phân công phụ trách bộ môn cờ. Dẫu vậy, với tinh thần chịu khó học hỏi, ông vẫn đào tạo nên nhiều thế hệ VĐV xuất sắc như: Hồ Thị Thanh Hồng, Trần Quang Nhật, Châu Thị Ngọc Giao, Nguyễn Thị Thúy Triên, Trần Thị Như Ý…, đoạt nhiều huy chương quý giá ở giải thế giới, châu Á…
Tuy nhiên, nhìn chung đội ngũ HLV thể thao thành tích cao của tỉnh chưa đồng đều, số HLV giỏi chưa nhiều, làm việc với điều kiện môi trường huấn luyện thiếu thốn về nhiều mặt. Các HLV luôn phải khắc phục khó khăn, đề ra kế hoạch đào tạo, huấn luyện phù hợp với tình hình thực tế, tận dụng mọi lợi thế hiện có để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, số lượng huy chương giành được tăng lên qua từng năm, nhưng chủ yếu ở các giải trẻ và cúp các CLB; chất lượng VĐV thể thao thành tích cao ở các giải vô địch quốc gia chưa cao. Số VĐV, HLV tham gia đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia còn hạn chế.
Theo ông Phan Tuấn Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT), đội ngũ cộng tác viên làm công tác vệ tinh ở cơ sở hiện có 15 người, đảm nhiệm khâu phát hiện, tuyển chọn và đào tạo ban đầu cho các đội tuyển thể thao của tỉnh ở các môn: Bóng đá, cờ vua - cờ tướng, boxing, võ cổ truyền. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ TDTT chuyên trách chưa được quan tâm, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp thể thao cấp huyện chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, chức năng được phân cấp. Cấp xã không có cán bộ chuyên trách về TDTT, nên việc triển khai, hướng dẫn phong trào tại địa phương còn nhiều hạn chế; công tác phát hiện tài năng thể thao giới thiệu cho tỉnh còn nhiều bất cập.
Cơ sở vật chất cũ và thiếu
Hệ thống cơ sở vật chất của thể thao thành tích cao tỉnh hiện có hầu hết là các công trình đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong đó, khu vực SVĐ Quy Nhơn là nơi tập luyện chính của VĐV tất cả các bộ môn, với các công trình: Sân bóng đá có khán đài 20.000 chỗ ngồi; Nhà thi đấu thể thao, mặt sàn xi măng, có mái che và khán đài 1.000 chỗ ngồi; bể bơi ngoài trời; sân tập đa năng nền xi măng, không mái che; sân quần vợt tiêu chuẩn quốc gia; 2 nhà tập luyện môn võ cổ truyền.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp ảnh hưởng đến việc tập luyện hầu hết VĐV ở các bộ môn thể thao Bình Định. - Trong ảnh: Không có sân cỏ, đội bóng đá U17 Bình Định tập trên sân xi măng. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Khu nhà ăn, ở của VĐV được xây dựng ở 2 cơ sở: Khu vực SVĐ Quy Nhơn gồm dãy nhà ở 3 tầng, 30 phòng (hiện giao cho CLB bóng đá Topenland Bình Định sử dụng tầng 2 và một phần tầng 3 với 13 phòng); 2 dãy nhà dưới gầm khán đài với tổng cộng 12 phòng được bố trí cho VĐV ở; 2 nhà ăn phục vụ cho khoảng 150 VĐV. Cơ sở thuộc Trường Năng khiếu Thể thao cũ có khu nhà ở 4 tầng, 30 phòng.
Sau quá trình sử dụng, nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Trong vài năm gần đây, ngành Thể thao đã tiến hành sửa chữa khán đài, dàn đèn, các phòng chức năng và mặt sân bóng đá; nâng cấp một số hạng mục hư hỏng của bể bơi; sửa chữa Nhà thi đấu… Tuy nhiên, hầu hết các công trình đều chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia cũng như yêu cầu tập luyện, thi đấu của các đội tuyển. Một số giải đấu cấp quốc gia dự kiến được tổ chức tại TP Quy Nhơn, nhưng sau khi khảo sát cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, đơn vị tổ chức đã chọn địa phương khác. Sân Quy Nhơn được làm mới, nhưng chủ yếu phục vụ cho CLB Topenland Bình Định, các đội bóng đá trẻ hiện không có sân tập; một số bộ môn phải tập trong điều kiện thiếu thốn về phòng ốc, trang thiết bị, dụng cụ bổ trợ… Thành tích của các môn vì thế cũng đi xuống thấy rõ.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ và hồi phục sau tập luyện chưa đáp ứng với yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng của VĐV hiện nay. Vai trò của y học hồi phục, chăm sóc và chữa trị chấn thương trong quá trình đào tạo huấn luyện VĐV rất quan trọng, nhưng các đội tuyển hiện vẫn chưa có phòng chăm sóc hồi phục thể lực cho VĐV chấn thương và phòng tập thể lực đa năng.
Vừa tận dụng, vừa đầu tư mới
Hiện nay toàn tỉnh có 16 SVĐ, trong đó có 1 SVĐ có khán đài; 33 nhà tập luyện, thi đấu TDTT; 15 sân bóng đá 11 người; 60 sân bóng đá mini; 568 sân bóng chuyền; 19 sân quần vợt; 61 bể bơi các loại… Tuy nhiên, sau thời gian dài không được cải tạo, sửa chữa, nhiều công trình do nhà nước đầu tư đã xuống cấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân và tổ chức một số giải đấu cấp xã, huyện. Các địa phương không có lực lượng quản lý, chăm sóc sân bãi nên hầu hết mặt sân bóng đá toàn sỏi, đá hoặc cỏ dại mọc um tùm.
Để khắc phục phần nào tình trạng thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện hiện nay, Sở VH&TT đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu tận dụng cơ sở hạ tầng phục vụ tập luyện thể thao ở các địa phương, hướng đến việc xây dựng các tuyến năng khiếu ở cơ sở. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho hay, thiếu địa điểm tập luyện là vấn đề bức xúc lớn nhất của các đội tuyển. Trong khi chờ đợi những giải pháp mang tính căn cơ, chúng tôi buộc phải khắc phục khó khăn, tận dụng cơ sở hiện có để các đội tập luyện. Mặt sàn Nhà thi đấu sẽ được trải thảm để đáp ứng nhu cầu tập luyện của một số môn; đội tuyển boxing cũng sẽ được trang bị dây ring để quen với cảm giác thực tế hơn… Trước mắt, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các đội bóng đá trẻ sẽ tạm thời thuê sân cỏ nhân tạo, hằng tuần có thể di chuyển đến các sân cỏ tự nhiên ở các huyện, thị xã để tập.
Việc tìm nguồn xã hội hóa để tăng số lượng vệ tinh thể thao ở cơ sở sẽ giúp tránh bỏ sót tài năng. - Trong ảnh: Võ sinh thuộc các võ đường, CLB thi đấu trong đợt kiểm tra, tuyển chọn của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Ảnh: HOÀNG QUÂN
“Hiện tỉnh đã đồng ý chủ trương xây dựng công trình nhà làm việc và các hạng mục liên quan của Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định. Ở giai đoạn tiếp theo, chúng tôi tiếp tục xin chủ trương xây dựng các sân bóng đá trẻ; xây dựng nhà tập thể lực đa năng, nhà hồi phục chấn thương và chăm sóc sức khỏe cho VĐV, sửa chữa nhà ăn, phòng ở cho VĐV, đầu tư trang thiết bị dụng cụ. Một trong những công việc quan trọng là tập trung các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thể thao, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu các môn thể thao thành tích cao và đăng cai các giải cấp quốc gia và quốc tế. Có như vậy thể thao Bình Định mới có điều kiện phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có” - ông Tạ Xuân Chánh cho hay.
HOÀNG QUÂN
Kỳ cuối: Cần những quyết sách mang tính đột phá