Góp thêm tư liệu về tháp Champa cổ ở Bình Định
Bình Định là một trong những địa phương có nhiều công trình đền tháp Champa nguyên vẹn, đa dạng và mang giá trị nghệ thuật cao. Để góp phần làm phong phú hơn nữa thông tin về tháp Champa cổ ở Bình Định, xin được bổ cứu thêm một số tài liệu mà do môi trường làm việc tôi có điều kiện tiếp cận.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, tờ 24a, 24b, bản gốc hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), chép khá kỹ về các tháp Champa ở Bình Định và có một số điều giờ ít người biết đến. Ví dụ, tháp Dương Long từng có tên là “Tường Vân”, tháp Cánh Tiên từng có tên là “Nam An”; tháp Bình Lâm từng có tên là “Thanh Trúc”. Và ngay từ thời nhà Nguyễn, những người chép sử, làm công tác văn hóa đã ghi chép khá nhiều về tháp Xuân Mỹ khi ấy vẫn còn nguyên tháp chứ chưa bị thời gian, chiến tranh tàn phá hư hỏng nặng nề để thành phế tích như hiện nay.
Tháp Đôi ở TP Quy Nhơn. Ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Dưới triều Nguyễn, tháp Champa Bình Định nói riêng và hệ thống các tháp Champa rải rác khắp cả nước được các triều vua quan tâm đặc biệt. Vào các tiết quan trọng trong năm, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa thu, các đời vua đều cho thực hiện tế lễ đầy đủ. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 101, mặt khắc 5 ghi về việc vào mùa thu, tháng 8 năm Quý Tỵ (1833), vua Minh Mạng đã sai quan đến tế ở các tháp Champa trong cả nước, trong đó có cả các tháp ở Bình Định: “Chuẩn định điển lễ tế miếu vua nước Chiêm Thành, hằng năm hai lần tế về mùa xuân và mùa thu (lễ phẩm dùng 1 trâu, 1 lợn, 1 mâm xôi). Ở Kinh thì quan văn Tam phẩm, ở các tỉnh thì Bố chính sứ, khâm mạng làm lễ. Phu để phục dịch ở miếu đều lấy dân sở tại 10 người để canh giữ hộ vệ, miễn cho đi lính và dao dịch”.
Hay như Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 25, mặt khắc 30 ghi về việc tế ở các tháp Champa trong cả nước như sau: “Năm Tự Đức thứ 7 (1854), một khoản trong phiến được chuẩn: Miếu Chiêm Thành quốc vương nguyên được trải thảm, nay dùng chiếu trắng để thay thế. Về sau, phàm các miếu mỗi khi đến hạn hoán đổi cũng chiếu theo như thế để thi hành”. Năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), việc cúng tế được chuẩn như sau: Miếu Chiêm Thành quốc vương hằng năm dùng trâu, heo mỗi thứ 1 con, 1 mâm xôi hạng lớn, 2 mâm quả phẩm. Đến năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), lại ghi rõ: Các đàn miếu ở trong và ngoài Kinh, miếu đàn nào liên quan đến quần tự thì hợp thờ tại miếu Hội Đồng chước giảm 1 lần thu tế. Còn như miếu thờ Quốc vương Chiêm Thành có công khai thác đất đai không xếp vào bách thần. Nay nên chuẩn bị lễ phẩm để đến tế tại nơi cơ sở (1 con heo hạng nhì, 1 mâm xôi gồm 6 thăng nếp, vàng bạc, hương đèn, trầu rượu”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 101, mặt khắc 5 ghi về việc vào tháng 8 năm Quý Tỵ (1833), vua Minh Mạng đã sai quan đến tế ở các miếu Chiêm Thành. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đều là những tài liệu quan trọng, việc biên soạn do triều đình chủ trì, nhiều phần còn được đích thân hoàng đế đương triều đích thân ngự lãm. Và như đã thấy tất cả đều ghi nhận chi tiết về các tháp Champa, đồng thời thông qua việc giữ gìn các công trình này cho thấy nhà Nguyễn ứng xử nhân văn không chỉ với công trình văn hóa mà còn cả với những vị vua của vương quốc không còn nữa.
Có thể nói, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, các di tích tháp Champa hiện còn lưu giữ được trên mảnh đất Bình Định là những di sản văn hóa độc đáo không chỉ lôi cuốn các nhà nghiên cứu mà còn hấp dẫn mọi du khách khi ghé thăm vùng đất Bình Định. Đến với Bình Định du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, nghệ thuật do các nghệ nhân tài hoa dựng nên từ nhiều thế kỷ trước, mà sự tồn tại đến ngày nay vẫn còn làm cho ta ngất ngây.
CAO THỊ QUANG