Chế độ dinh dưỡng khi tiêm vắc xin phòng Covid-19
Theo Bộ Y tế, phản ứng thường gặp nhất sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 là sốt, vết tiêm nổi mẩn, đau nhức, mệt mỏi. Tùy vào cơ địa của từng người, từng loại vắc xin mà cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Vì vậy, trước và sau khi tiêm cần chú ý bổ sung dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh và nhanh hồi phục.
Trước tiên ta phải đảm bảo chế độ sinh hoạt đều đặn như: Ngủ đủ giấc, thật sâu vào đêm trước khi tiêm, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa. Uống đủ nước để cơ thể mau chóng thải loại bỏ độc tố. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi; ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn. Đặc biệt không để bụng đói trước khi tiêm, cơn đói có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu bạn là người sợ kim tiêm.
Không ăn nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên…, vì có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.
Tốt nhất không nên uống rượu, bia trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi chủng ngừa. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.
Không uống nhiều thực phẩm chứa caffeine (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm, caffeine làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cần chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và giàu năng lượng. Ăn đủ nhu cầu, đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm và thay đổi theo khẩu vị. Khẩu phần ăn hằng ngày nên phối hợp cân đối giữa nguồn chất đạm từ động vật và thực vật như thịt cá, trứng sữa, hải sản, đậu đỗ....
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)