Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Sơn: Còn nhiều khó khăn, phức tạp
Dù chính quyền các địa phương và ngành chức năng của huyện Tây Sơn có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng thời gian qua, tình trạng xâm hại rừng vẫn còn xảy ra, tính chất ngày càng phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của xã Tây Thuận và lực lượng kiểm lâm địa bàn đã tổ chức 67 đợt tuần tra, qua đó đã phá bỏ 4 hầm than, chuyển hồ sơ lên Hạt Kiểm lâm huyện để xử lý vụ mua bán, vận chuyển trái phép 0,84 m3 gỗ nhóm I. Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là khu vực rừng tự nhiên vùng giáp ranh với tỉnh Gia Lai chưa tốt. Riêng trong tháng 8, ở khu vực này đã xảy ra 3 vụ phá rừng tự nhiên.
Rừng tự nhiên ở khu vực Hòn Bình (xã Tây Thuận) bị xâm hại. ẢNH: H.P
Cụ thể, vào cuối tháng 8, tại khu vực Đá Vàng, kiểm lâm địa bàn và lực lượng bảo vệ rừng của xã Tây Thuận phát hiện rừng tự nhiên bị phá ở lô 66a, khoảnh 5, tiểu khu 248 và tại lô 7, khoảnh 1, tiểu khu 258, với tổng cộng trên 3,56 ha. Diện tích rừng bị phá ở hai khu vực trên có trạng thái là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo và có chức năng là rừng sản xuất. Hiện trường tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ cây rừng đã bị chặt hạ và đốn dọn, chưa trồng trỉa cây gì trên diện tích rừng đã bị phá, chưa phát hiện đối tượng vi phạm.
Trước đó, hơn 5,8 ha rừng tự nhiên ở khu vực Hòn Bình tại lô 35, khoảnh 4 và lô 54, khoảnh 5, tiểu khu 248 cũng bị chặt phá; trong đó rừng thường xanh nghèo diện tích khoảng 4,9 ha, rừng tái sinh tự nhiên có trữ lượng dưới 10 m3/ha khoảng 0,9 ha.
Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: Các vụ phá rừng nêu trên, diện tích rừng bị phá vượt mức tối đa khung xử lý hành chính, có dấu hiệu hình sự của tội hủy hoại rừng. Hiện đơn vị đang phối hợp với CA huyện tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh. Đến thời điểm này, chưa xác định được đối tượng phá các diện tích rừng nêu trên.
Theo các ngành chức năng của huyện Tây Sơn, nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là người dân lén lút xâm hại rừng, là do nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng cây lấy gỗ (keo lai) rất lớn. Đồng thời, khu vực rừng xảy ra các vụ việc đều giáp ranh với tỉnh Gia Lai, có diện tích lớn, nhiều lối ra, lực lượng chuyên trách còn mỏng nên hoạt động tuần tra, kiểm tra cũng như việc điều tra, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy rằng việc quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Tây Sơn còn yếu.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết: Từ thực tế này, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, huyện đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu và xây dựng phương án đề xuất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Riêng các khu vực rừng giáp ranh, nhất là ở địa bàn xã Tây Thuận, giao cho chính quyền địa phương phối hợp với các ngành của huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể là phải chú trọng công tác tuần tra, kiểm tra; rà soát, lập danh sách các cá nhân có xe ben, xe độ chế, xe máy múc trên địa bàn và cho ký cam kết không tiếp tay cho hoạt động phá rừng. Tương tự, làm việc với các đơn vị thu mua nguyên liệu gỗ trên địa bàn để họ ký cam kết không thu mua nguyên liệu có nguồn gốc khai thác trái phép. Cá nhân, đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Riêng các vụ việc phá rừng mới phát hiện, ông Hùng cho biết thêm: “Chúng tôi đã giao cho Hạt Kiểm lâm chủ trì và phối hợp với CA huyện khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng hủy hoại rừng. Đồng thời, mở rộng phạm vi điều tra để kết luận rõ có hành vi bảo kê, tiếp tay hay không. Nếu có, xử lý nghiêm theo đúng quy định”.
HỒNG PHÚC