Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản: Nhiều chuyển biến tích cực
Việc tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên.
Lãnh đạo Sở TN&MT kiểm tra công tác hoàn thổ, trồng rừng, phục hồi môi trường mỏ titan tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Sở TN&MT cung cấp
Theo ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT, chỉ trong năm 2020, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, điển hình là quy định thời gian hoạt động khai thác cát trong năm. Theo đó, các DN chỉ được hoạt động khai thác từ ngày 1.1 đến hết ngày 15.9 hằng năm, không được khai thác cát trong mùa mưa lũ. Nhờ vậy khu vực các mỏ cát, bãi bờ ven sông được bảo vệ tốt hơn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 140 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực và đang hoạt động, cụ thể: 64 giấy phép khai thác (GPKT) đá làm vật liệu xây dựng; 39 GPKT cát sỏi lòng sông, 33 GPKT đất san lấp, 2 GPKT cát làm khuôn đúc, 1 GPKT cát nhiễm mặn, 1 GPKT đất sét. Ngoài ra, có 8 GPKT khác do Bộ TN&MT cấp còn hiệu lực, trong đó 5 GPKT titan, 3 GPKT đá granite, 1 GPKT đá granite, nước khoáng.
Từ khi có Chỉ thị 38 đến nay, Sở TN&MT đã chủ trì tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành 29 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải nộp gần 18,7 tỷ đồng, đến nay các DN đã nộp 9 tỷ đồng, số còn lại sẽ nộp theo tiến độ trong các năm kế tiếp. Sở TN&MT cũng tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 29 mỏ khoáng sản, số tiền dự kiến thu được là hơn 42 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra trên lĩnh vực khoáng sản được tiếp tục tăng cường. Sở TN&MT đã kiểm tra 41 mỏ cát của 39 DN và 21 mỏ đất san lấp của 21 DN, qua đó chấn chỉnh hoạt động khai thác đất, cát của các DN. Trong năm 2020, Thanh tra Sở TN&MT xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp, tổng số tiền hơn 400 triệu đồng và không gia hạn cấp phép cho 18 mỏ cát lòng sông do hoạt động ảnh hưởng môi trường, đề xuất UBND tỉnh xử lý 1 trường hợp khai thác đất trái phép với số tiền 90 triệu đồng và truy thu hơn 1,9 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
Tuy việc quản lý KTKS có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra tại một số nơi. Ông Lê Văn Tùng cho biết: “Để bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, chúng tôi đang tổ chức khảo sát, đánh giá, tổng hợp và lập phương án bảo vệ các khu vực, mỏ khoáng sản, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt ngay trong năm 2021. Kiến nghị Bộ TN&MT xem xét tiết giảm, kết hợp một số thủ tục trong cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông và đất san lấp để giảm thời gian, đảm bảo tiến độ thi công. Đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét sớm khoanh định và công bố các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ còn lại để UBND tỉnh có điều kiện lựa chọn một số khu vực thuận lợi, lập kế hoạch và triển khai đấu giá một số mỏ, đặc biệt là các mỏ đá”.
Từ sự tham mưu của Sở TN&MT, UBND tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép. Theo đó tỉnh Bình Định có 212 mỏ khoáng sản các loại, với tổng diện tích vùng có mỏ là 38.418 ha. Trong đó, quy hoạch mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn có 173 mỏ, diện tích 32.902 ha; quy hoạch mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ có 39 mỏ, diện tích 5.516 ha.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu đất san lấp, cát xây dựng và đất sét phục vụ cao tốc Bắc Nam và các công trình trọng điểm của tỉnh, Sở Xây dựng đã ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ thực hiện lập phương án thăm dò, khảo sát khoáng sản đất, cát xây dựng, đất sét khai thác sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
ĐÌNH PHƯƠNG