Thể thao Bình Định - Thay đổi để phát triển:
Kỳ 2: Cần những quyết sách mang tính đột phá
Muốn đạt được hiệu quả cao trong thể thao thành tích cao, ngành Thể thao tỉnh cần xác định nhóm các môn thể thao mũi nhọn, có tiềm năng để đầu tư đặc biệt. Cùng với đó, việc xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng cho VĐV tài năng cũng phải sớm được triển khai.
Xác định các nội dung thế mạnh
Tính chung cả Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cùng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định có tổng cộng 377 VĐV. Trong đó, 180 VĐV tuyến năng khiếu, 85 VĐV tuyến trẻ, 112 VĐV đội tuyển tỉnh được phân bổ cho 17 đội. Với thể thao thành tích cao, đây là tỷ lệ chưa phù hợp, chưa đều về số lượng; một số môn có số lượng chỉ tiêu VĐV quá ít, nhất là tuyến trẻ và năng khiếu. Số lượng VĐV các đội tuyển chưa đảm bảo để thi đấu đủ các nội dung và hạng cân nhằm đạt thành tích cao, chưa mở ra được nhiều các môn thể thao mới phù hợp với điều kiện tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Với những gì đã thể hiện ở các giải quốc gia, kickboxing có thể coi là môn mũi nhọn, cần được tỉnh đầu tư chuyên sâu để vươn ra đấu trường quốc tế.
- Trong ảnh: Võ sĩ Trần Võ Song Thương (Bình Định, bên trái) trong trận chung kết hạng cân 60 kg nữ Giải vô địch cúp kickboxing toàn quốc năm 2020. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Cách phân bổ VĐV ở các bộ môn như hiện nay chưa đảm bảo tính kế thừa, thành tích thiếu tính bền vững, do đó, việc xây dựng các bộ môn thế mạnh, phát triển có chiều sâu về chất lượng chuyên môn và thành tích là điều cần tính đến. Cùng với đó, cần tính toán lại với những môn không đạt thành tích khả quan thời gian qua.
Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, đầu tư đúng hướng, một số môn có nhiều thành tích khởi sắc như: Võ cổ truyền, cờ vua, cờ tướng, điền kinh, bóng ném nữ, taekwondo... Đây là những môn đạt được nhiều huy chương tại các giải quốc gia và quốc tế, đặc biệt là Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Do đó, cần có sự đầu tư bài bản hơn cho các môn thế mạnh nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, hướng đến những mục tiêu cao hơn trong những năm sắp tới.
Tuy chưa thành lập đội tuyển, nhưng trong nhiều năm liền, với việc đưa VĐV đối kháng võ cổ truyền đi thi đấu các môn wushu và kickboxing, Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tốt. Trong đó, VĐV Lê Công Bút giành HCV wushu ở SEA Games 22; VĐV Lê Minh Tùng đoạt HCB wushu ở SEA Games 23; VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga đoạt HCV kickboxing ở SEA Games 30. Ngoài ra, các VĐV Bình Định cũng giành rất nhiều huy chương môn wushu và kickboxing ở các giải vô địch quốc gia, đại hội thể thao toàn quốc… Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, chia sẻ: “Bình Định có bề dày truyền thống võ thuật, cùng nhiều lợi thế để phát triển các bộ môn võ, do đó, wushu và kickboxing là 2 trong số những môn nên được tính toán đầu tư chuyên sâu, nhằm phát huy hết tiềm năng, hướng đến những thành tích cao ở đấu trường quốc gia, khu vực và thế giới”.
Bên cạnh đó, một số môn thể thao biển cũng cần được nghiên cứu đầu tư. Bởi đây là những môn không yêu cầu cao về sân tập luyện, thi đấu, khi chúng ta có lợi thế bờ biển dài, đẹp. Trong khi tỉnh đang đẩy mạnh quảng bá du lịch thì đây là những môn tạo được điểm nhấn, thu hút du khách, tạo cơ hội giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Bình Định với bạn bè trong và ngoài nước.
Cần cơ chế thuê HLV giỏi
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều HLV thể thao Bình Định chủ yếu tự nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để đưa vào chương trình huấn luyện, thay vì thường xuyên được tập huấn, cập nhật thông tin mới để tiếp cận phương pháp huấn luyện khoa học. Công tác bồi dưỡng về chuyên môn thời gian qua chưa được chú trọng đúng mức, đó cũng là nguyên nhân khiến thành tích của một số bộ môn chưa tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư của tỉnh.
Vì vậy, ngành Thể thao cần quan tâm cử HLV tham gia các khóa học, bồi dưỡng nâng cao trình độ và cập nhật những kiến thức mới nhất về công tác huấn luyện do Tổng cục TDTT, liên đoàn, hiệp hội thể thao… tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi cho các HLV có năng lực và trình độ ngoại ngữ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ huấn luyện; đào tạo lực lượng HLV trẻ đáp ứng đủ số lượng cho các bộ môn.
Bên cạnh đó, căn cứ hiệu quả huấn luyện từng năm và định kỳ từng giai đoạn, tiến hành đánh giá kiểm tra năng lực, kết quả huấn luyện của HLV; chỉ giữ lại những HLV có đầy đủ trình độ, tâm huyết và năng lực công tác. Cùng với đó, ưu tiên chọn những VĐV có thành tích và đẳng cấp quốc gia không còn khả năng thi đấu đỉnh cao, có đạo đức tốt gửi đi đào tạo để trở thành HLV. Ngoài ra, cần bổ sung đội ngũ cán bộ y học thể thao, kỹ thuật viên chữa trị và chăm sóc VĐV.
Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn đội ngũ HLV hiện có, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất với tỉnh cho cơ chế mời các chuyên gia, HLV giỏi về làm công tác huấn luyện, kể cả HLV nước ngoài. Bởi như vậy chúng ta có thể tạo ra những lứa VĐV chất lượng, vừa tạo cơ hội cho các HLV của tỉnh được học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Kinh phí trả cho một HLV giỏi có thể cao, nhưng vẫn lợi hơn rất nhiều nếu chúng ta đầu tư huấn luyện trong thời gian dài nhưng chất lượng VĐV không đạt được như mong muốn”.
Đầu tư đặc biệt cho VĐV xuất sắc
Để đạt được mục tiêu đề ra tại các giải trong nước và quốc tế, đặc biệt là các kỳ đại hội thể thao toàn quốc, ngành Thể thao cần có kế hoạch chuẩn bị lực lượng sớm, dài hạn. Trong đó, tập trung đầu tư sâu về chuyên môn cho các môn thể thao trọng điểm, gửi các VĐV xuất sắc tập huấn tại những trung tâm thể thao mạnh trên cả nước để rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn. Xác định và đầu tư trọng điểm đối với các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, với lực lượng VĐV, HLV có trình độ chuyên môn cao, hàng năm đầu tư cho nhóm này từ 20 - 30 VĐV và 10 - 20 HLV.
Phạm Thị Hồng Lệ đang là nữ VĐV marathon số 1 của Việt Nam hiện nay, do đó, cô cần được quan tâm đầu tư để hướng đến những mục tiêu cao hơn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Nhưng một trong những “rào cản” khiến các VĐV khó vượt ngưỡng để vươn tầm khu vực hoặc xa hơn là do chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ cho VĐV xuất sắc trong thời gian tham gia đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, ngành Thể thao cũng chưa có chế độ đãi ngộ giải quyết việc làm cho VĐV khi hết tham gia tập luyện, thi đấu, khiến gia đình và dư luận xã hội chưa yên tâm. Từ đó, thời gian qua không ít VĐV tài năng của tỉnh chuyển sang thi đấu cho các tỉnh khác.
Chính vì vậy, yêu cầu quan trọng với ngành Thể thao là phải đảm bảo thực hiện tốt chính sách do Trung ương và tỉnh quy định về chế độ tiền công, tiền dinh dưỡng và chế độ khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với HLV, VĐV. Đặc biệt, cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ và chế độ ưu đãi cá biệt cho các HLV, VĐV có nhiều đóng góp cho thành tích thể thao tỉnh, để họ yên tâm với nghề hoặc đảm bảo được cuộc sống sau khi thôi làm nhiệm vụ.
Ông Bùi Trung Hiếu chia sẻ: “Đầu tư cho thể thao cần có tính chiến lược, phải có sự chuẩn bị tốt trong khoảng thời gian dài mới đạt được mục tiêu như mong muốn. Để đào tạo nên những VĐV xuất sắc đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ cơ sở vật chất, chương trình huấn luyện, chế độ dinh dưỡng…, nhưng cách đầu tư của chúng ta trong thời gian qua chưa hiệu quả, khi chế độ dinh dưỡng và tiền công được chia đều cho các VĐV. Điều đó không tạo được động lực, sự cạnh tranh giữa các VĐV với nhau. Vì vậy, việc đánh giá, tuyển chọn nhóm VĐV xuất sắc, có khả năng đạt thành tích cao để đầu tư trọng điểm là rất cần thiết và cần được thực hiện càng sớm càng tốt”.
HOÀNG QUÂN