Mũ quan triều Nguyễn được đấu giá ở Tây Ban Nha với mức 600 nghìn euro
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc có những phân tích đáng chú ý về chiếc mũ quan triều Nguyễn vừa được đấu giá thành công với mức 600 nghìn euro (khoảng 20 tỷ đồng bao gồm thuế phí).
Nhà nghiên cứu, TS. Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đưa tin trên Facebook về cuộc đấu giá chiếc mũ quan triều Nguyễn rất giá trị của nhà đấu giá Invaluable ở Tây Ban Nha. Cuộc đấu giá kết thúc ngày 28.10, chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn được bán thành công với giá 600.000 euro (tương đương gần 20 tỷ đồng cả thuế và phí), mức giá khởi đầu chỉ khoảng 600 euro.
Chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá thành công ở Tây Ban Nha
Liên hệ với nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc-nhà nghiên cứu, nhà phục chế nổi tiếng mũ miện triều đình Nguyễn, ông đã nghiên cứu và phân tích dữ liệu về chiếc mũ này. Chiếc mũ đi kèm với hộp đựng mũ. Hộp đựng mũ bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh. Mũ là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết.
Mặt trước: Phía trên là 1 bác sơn, tiếp đến là 2 hoa, 2 giao long, dưới cùng là trang sức kim ngạch tường và dây kim nhiễu tuyến. Mặt hai bên: Mỗi bên trang trí 1 kim khóa nhãn. Mặt sau: Gồm 2 hoa, 2 giao long, 2 kim như ý. Còn 2 cánh chuồn: Đầu hai cánh thì mỗi cánh được bịt 2 trang sức, giữa mỗi cánh trang trí 2 giao long. Tất cả đều được làm bằng vàng và đều được lót phía sau một miếng vải đỏ.
Hộp đựng mũ
Qua khảo tả nêu trên, số lượng các trang sức và đối chiếu với quy định trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và đối chiếu các trang sức của mũ đây với các trang sức ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc nhận thấy rất nhiều điểm khác lạ.
Đó là Bác sơn thay vì diềm phía dưới là văn sóng nước để cùng với văn mây ở diềm trên để tạo thành đề tài giao long chầu hoa cúc trong khung cảnh trời mây nước, nhưng ở đây lại được thay bằng văn cánh hoa. Còn hoa, vẫn là hoa cúc nhưng được cách điệu hơi khác so với hoa ở các mũ, và lại còn có sự khác biệt như: các mũ có các lớp cánh hoa nổi ở trên một nền dây lá, nhưng ở đây không có nền dây lá và thay vào đó là một vòng tròn và vòng tròn dây lá bao quanh.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc so sánh mũ đấu giá với một bức ảnh tư liệu. Ảnh: Facebook nhân vật
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc phân tích, vấn đề dư trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân, như ở bản vẽ về mũ của Chánh Nhất phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa và cả ở mũ hiện tồn như chiếc mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong (hàm Tòng Nhất phẩm), mũ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu (Chánh Nhị phẩm) cũng cho thấy điều này, nhưng thường là dư 1 hoa ở trước mũ và 1 hoa sau mũ. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là dư 2 giao long, bởi đây là lần đầu được biết đến.
“Như vậy, đã cho thấy chủ nhân của chiếc mũ này đã được đặc ân mà không hề có từ trước đến nay. Tiếp đến là bức ảnh về một vị quan triều Nguyễn mà tôi cho rằng được chụp vào cuối thời vua Bảo Đại. Bức ảnh đã cho thấy phía sau chiếc mũ của vị quan này cũng có 2 giao long chầu hoa rất giống như mũ đây, và các hoa trên mũ cũng được bố cục trong một vòng tròn. Vì vậy chiếc mũ đấu giá ở đây có lẽ cũng cùng thời với bức ảnh nêu trên”, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc nêu.
Theo Nguyên Khánh (TPO)