Võ cổ truyền Bình Định: Trên hành trình di sản
Ngày 20.10, Chính phủ đã giao cho Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT.
Ông Tạ Xuân Chánh. Ảnh: T.L
Theo ông, cơ sở nào để tỉnh đề nghị Chính phủ đề xuất UNESCO vinh danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
- Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Võ cổ truyền Bình Định không đơn thuần rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người, mà thông qua việc tập luyện võ nghệ còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào truyền thống thượng võ của dân tộc.
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học của dân tộc. Võ cổ truyền Bình Định còn giúp hình thành đạo đức của người học võ - trọng, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, kính tổ trọng thầy.
Những năm qua, võ cổ truyền Bình Định gặt hái nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực như: Phong trào tập luyện võ thuật ngày càng phát triển sâu rộng đến nhiều võ đường trong tỉnh. Các đội tuyển luôn giành được nhiều huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế và khu vực. Đặc biệt, qua 7 kỳ tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa hàng nghìn võ sư, võ sinh về tham dự. Trong công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định, nhiều đề tài, đề án nghiên cứu đã được triển khai thành công như: Đề tài “Chân dung võ sư, võ nhân Bình Định”, “Nghiên cứu phục hồi thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định”, “Bảo tồn một số bài quyền võ cổ truyền Bình Định”, “Đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030…”.
Nếu được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, võ cổ truyền Bình Định có thêm những cơ hội nào để phát triển, thưa ông?
- Võ cổ truyền Bình Định chịu nhiều tác động của hoàn cảnh lịch sử, những biến động văn hóa, trong thời đại toàn cầu hóa, những tác động ấy diễn ra nhanh và mạnh hơn trước rất nhiều. Nhiều năm qua, dù có nỗ lực gìn giữ và phát huy di sản này nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều bất cập, khiến kho tàng võ học ít nhiều cũng bị mai một.
Võ cổ truyền Bình Định đứng trước cơ hội phát triển khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Việc xây dựng hồ sơ võ cổ truyền Bình Định đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ tạo tiền đề để thực hiện các công trình nghiên cứu, xây dựng giải pháp khoa học trong bảo tồn và phát huy. Hơn nữa đây là cơ hội to lớn để giới thiệu, quảng bá các giá trị thấm đẫm tinh thần nhân văn của võ cổ truyền Bình Định. Đồng thời, giúp cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Ta sẽ làm gì để nhanh chóng hoàn thành hồ sơ trình UNESCO, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh định hướng xây dựng và ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó cần có các biện pháp, cơ chế cụ thể nhằm huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, các ngành và địa phương trong thực hiện kế hoạch.
Phối hợp đề xuất thành lập ban chỉ đạo và ban xây dựng hồ sơ nhằm bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tạo sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan để xây dựng lộ trình, kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại giai đoạn 2021 - 2030.
Xin cảm ơn ông!
Bình Định là một trong cái nôi quan trọng của võ cổ truyền Việt Nam. Năm 2012, Bộ VH-TT&DL công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tỉnh Bình Định có nhiều nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định, đang thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, CLB. Trong đó, có 4 nghệ nhân ưu tú, 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 HLV. Tại Bình Định, hơn 10.000 người đang theo học võ cổ truyền Bình Định. Ngoài ra, nhiều võ đường võ cổ truyền Bình Định được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)