Dạy học các môn tích hợp: Vừa dạy vừa nghiên cứu
Năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới; trong đó điểm thay đổi lớn nhất và cũng gây băn khoăn nhiều nhất là phần tích hợp các đơn môn thành 3 môn mới là Lịch sử và Ðịa lí, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
Sở GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn triển khai và hoàn tất chương trình bồi dưỡng giáo dục THCS dạy các môn tích hợp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; đồng thời hướng dẫn phòng GD&ĐT tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục môn học tích hợp…
1 giáo viên, hoặc nhiều giáo viên cùng dạy 1 môn
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các địa phương định hướng cho các trường sắp xếp giáo viên dạy các môn tích hợp theo hai hướng: 1 giáo viên dạy toàn bộ các phân môn của môn học; hoặc nhiều giáo viên đảm nhận các phân môn của môn học.
Với thuận lợi có nhiều giáo viên đã được đào tạo cao đẳng ngành đôi (2 chuyên ngành) từ trước đây, sau đó học nâng chuẩn lên đại học và có thể đảm đương ban đầu, nên các trường THCS tại TX Hoài Nhơn đều triển khai 1 giáo viên dạy môn tích hợp ở lớp 6.
Trường ĐH Quy Nhơn mở mã ngành đào tạo môn tích hợp
PGS.TS Ðỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn cho biết, từ năm học 2021 - 2022, trường tuyển sinh ngành đào tạo Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử và Ðịa lí. Chương trình đào tạo của trường đã điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như yêu cầu của địa phương. Song song đó, trường tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho các đơn vị, trường học để đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
4 giáo viên được đào tạo ngành Vật lí, Hóa học, Sinh học tại Trường THCS số 2 Bồng Sơn được tập huấn, bồi dưỡng và đứng lớp cho môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Hải đánh giá bước đầu là thuận lợi trong giảng dạy, học tập, quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, hiện 4 giáo viên dạy 4 tiết/tuần cho khối 6 vừa phải chuẩn bị rất chi tiết trước khi lên lớp cho khối 6, vừa phải đảm nhận dạy đơn môn cho các khối 7, 8, 9 để đảm bảo số lượng 19 tiết học/tuần. Mặt khác, các giáo viên này chỉ đảm bảo truyền tải được kiến thức ở mức cơ bản tại những môn không phải là thế mạnh.
Cô Nguyễn Thị Triều Nga, dạy môn Khoa học tự nhiên khối 6, Trường THCS số 2 Bồng Sơn, bày tỏ: “Bài dạy phân môn Vật lí thì bình thường, chứ đến phần Hóa học và Sinh học, tôi phải đầu tư nghiên cứu rất kỹ!”.
Không bố trí 1 giáo viên, các trường tại huyện Phù Cát sắp xếp nhiều giáo viên dạy một môn tích hợp. Ông Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Nhơn, thông tin: Ở môn Khoa học tự nhiên, nhà trường phân chia chủ đề của môn Vật lí cho giáo viên dạy Vật lí, còn chủ đề liên quan Hóa học và Sinh học thì 1 giáo viên (đã được đào tạo sư phạm Hóa - Sinh và thạc sĩ Sinh học) đảm nhận. Trước mắt, việc phân công các giáo viên cùng giảng dạy khá hợp lý, khó là Ban Giám hiệu phải sắp xếp thời khóa biểu cân đối, hợp lý. Đồng thời, các giáo viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để cùng hoàn thành nhiệm vụ, nhất là thống nhất trong khâu kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Nhà trường sẽ tiến tới chỉ 1 giáo viên dạy 3 phân môn của môn học này.
Cần đội ngũ giáo viên chuẩn
Bên cạnh việc giảng dạy, tình trạng một môn, nhiều giáo viên nhưng kiểm tra đánh giá lại chỉ có một đầu điểm cũng khiến các trường băn khoăn. Cô Vũ Thị Như Nguyệt, phụ trách phân môn Âm nhạc (Trường THCS số 2 Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) cho hay: Tôi và 1 giáo viên khác dạy 2 phân môn khá thuận, nhưng vướng ở khâu kiểm tra, đánh giá học sinh. Với tính độc lập cao trong khi đây là môn học đánh giá bằng nhận xét nên rất băn khoăn nếu một học sinh có thể đạt ở phân môn này và không đạt ở phân môn kia.
Môn học tích hợp được Trường THCS số 2 Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) sắp xếp 1 giáo viên dạy. Ảnh: T.H
Ông Trần Thao, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn, cho biết: Chúng tôi dự kiến đánh giá, học sinh đều đạt ở cả 2 phân môn thì mới được xem là “Đạt” trong môn Nghệ thuật; còn một trong 2 phân môn chưa đạt thì đánh giá là “Chưa đạt”. Với các môn tích hợp, bước đầu triển khai còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, chúng tôi chỉ đạo các tổ chuyên môn phải có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau. Quan trọng hơn nữa là giáo viên phải tự học. Vì thế rất cần có thêm các buổi hội thảo, tập huấn sát với nội dung chương trình.
Với hơn 600 cán bộ quản lý, giáo viên “trên sàng” được chọn bồi dưỡng, dạy chương trình lớp 6, nhưng bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn cho rằng: Chúng tôi theo dõi sát sao, hướng dẫn các trường động viên giáo viên vừa dạy học, vừa nghiên cứu hoàn thiện hơn kiến thức; đồng thời, lấy ý kiến của các trường về vướng mắc trong dạy học tích hợp. “Về lâu dài, càng lên khối lớp cao hơn càng đòi hỏi ở giáo viên kiến thức chuyên sâu. Vì vậy, rất cần có những giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy về nội dung dạy học tích hợp đạt chuẩn yêu cầu mới”, bà Anh đặt vấn đề.
MAI HOÀNG