Giá phân bón tăng cao: Hỗ trợ nông dân các giải pháp thích ứng
Vụ Ðông Xuân 2021 - 2022, nông dân trong tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng. Ðể góp phần giảm áp lực cho nông dân, ngành Nông nghiệp nỗ lực hỗ trợ theo hướng xây dựng thời vụ, cơ cấu giống hợp lý, tích cực chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Giá phân bón tăng cao
Từ đầu năm đến nay, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng, có đợt tăng 30 - 40% so với trước đó. Khảo sát giá phân bón tại Công ty CP Kỹ thuật Vật tư nông nghiệp Bình Định, Công ty CP Phân bón Bình Điền 2 và các cơ sở, đại lý kinh doanh, cung ứng vật tư nông nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng phân bón tăng mạnh. Cụ thể phân u rê Cà Mau tháng 8.2021 là 11.600 đồng/kg, nay tăng lên 13.500 đồng/kg (tăng 12%); u rê Phú Mỹ từ 12.500 đồng/kg tăng lên 15.600 đồng/kg (tăng 24,8%); NPK Bình Điền từ 8.860 đồng/kg tăng lên 10.760 đồng/kg (tăng 21,4%).
Một đại lý kinh doanh phân bón ở huyện Phù Cát. Ảnh: THU DỊU
“Dù vụ sản xuất Đông Xuân 2021 - 2022 đã áp sát nhưng hiện chúng tôi vẫn còn đang cân nhắc, tính toán việc nhập phân bón về. Giá phân bón tăng cao quá, lại liên tục biến động theo tuần, do đó chúng tôi theo dõi sát tình hình để có quyết định phù hợp”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn), cho hay.
Theo ông Lưu Văn Thiện, ở thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), gia đình ông rất lo lắng khi giá phân bón liên tục tăng. Việc đồng áng không thể thiếu phân bón, giá có tăng thêm thì vẫn phải mua để đầu tư cho mùa vụ, nhưng cao đến mức như hiện nay rõ ràng là một áp lực quá lớn với nông dân.
Cơn sốt tăng giá vật tư nông nghiệp đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiều. Trước áp lực này, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022, chú trọng vào áp dụng tiến bộ KHKT và đẩy mạnh áp dụng công nghệ canh tác lúa thâm canh cải tiến SRI; triển khai các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp… Tất cả đều hướng tới những mô hình sản xuất tiết giảm sử dụng phân bón vô cơ.
Hỗ trợ nông dân thích ứng
Để chuẩn bị tốt cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp kiểm tra, rà soát khả năng cung ứng vật tư, như giống, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là phân bón của các DN, đại lý, HTXNN trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường hỗ trợ cho bà con nông dân.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất phù hợp và thích ứng, phù hợp nguồn nước, thời tiết, điều kiện địa phương và tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo gieo trồng hết diện tích, không để đất trống. Tại những địa phương đã áp dụng thành công các kỹ thuật canh tác như “ba giảm ba tăng” (giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhưng vẫn giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm), SRI... thì nỗ lực mở rộng, khuyến khích bà con tích cực áp dụng.
Tương tự, trao đổi về vấn đề sản xuất vụ Đông Xuân trong bối cảnh vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón tăng giá cao, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay, huyện tập trung vào hướng dẫn các HTXNN, nông dân tiếp tục triển khai mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, phát triển cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết. Ở trên những cánh đồng này, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cùng canh tác một giống lúa để thích hợp trong chăm sóc, giảm thiệt hại, giảm chi phí đầu tư ban đầu…
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: Sở đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông tăng cường tuyên truyền nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, hợp lý, giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân. Đặc biệt tích cực áp dụng các mô hình thâm canh hiệu quả như SRI, IPM, ICM. Những năm qua tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện các mô hình này tại nhiều địa phương trong tỉnh, đây là lúc phù hợp để mở rộng áp dụng.
THU DỊU