Bia lăng mộ tổ Tây Sơn tam kiệt
Đến tham quan khu trưng bày hiện vật phong trào nông dân Tây Sơn ở Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) du khách sẽ thấy ngay tấm bia mộ tổ Tây Sơn tam kiệt được trưng bày trang trọng (ảnh).
Anh Đặng Công Lập, Phó trưởng Phòng Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung), cho biết: “Tấm bia này làm bằng đá sa thạch, phát hiện vào năm 1990 tại ngôi mộ cổ tại khu vực Di tích Gò Lăng, ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Khi đó, trong quá trình cải tạo đồng ruộng, người dân địa phương phát hiện một tấm bia bị chôn vùi dưới đất nằm cách ngôi mộ cổ chừng 6 m về phía Bắc. Nhận tin báo, Bảo tàng tỉnh phối hợp Bảo tàng Quang Trung tiến hành khai quật, nghiên cứu gốc tích tấm bia và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung”.
Trên tấm bia có 3 hàng chữ Hán, hàng ở giữa dòng chữ phiên âm: “Việt cố hoàng hiển tổ khảo cang nghị mưu lược minh triết công chi lăng” (nghĩa là: Lăng mộ của cang nghị mưu lược minh triết công, ông nội quá cố của vua nước Việt). Bên phải tấm bia là dòng chữ: “Tuế thứ Kỷ Hợi, trọng xuân, cố nhật” (nghĩa là: Ngày lành giữa mùa xuân năm Kỷ Hợi). Bên trái tấm bia là hai chữ “Ngự chế” (tức là nhà vua tạo lập).
Theo các nhà nghiên cứu, vị trí ngôi mộ tọa lạc trước kia là đất của ông Hồ Phi Phúc, thân sinh của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Dựa vào gia hệ, niên đại tấm bia và bối cảnh lịch sử, có thể khẳng định đây là bia mộ ông nội anh em nhà Tây Sơn, tức ông Hồ Phi Tiễn; bia mộ do Nguyễn Nhạc tạo lập năm 1779, một năm sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế.
Di tích Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt đã được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2012.
NGỌC NHUẬN