Nhà văn TRIỀU LA VỸ: Trong cuộc rong chơi chữ nghĩa
Ban đầu anh đến với sáng tác văn chương bằng thơ và được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 cũng ở chuyên ngành Thơ. Nhưng ở bài viết này, tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc một Triều La Vỹ khác với vai trò một… nhà văn.
Chỉ viết truyện ngắn vài năm gần đây, nhưng anh đã cho thấy những bước tiến xa, phóng khoáng trong cuộc rong chơi chữ nghĩa.
Nhà thơ rẽ bút viết văn
Năm 2014, khi tỉnh Bình Định tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài LLVT tỉnh, Triều La Vỹ bất ngờ giành giải quán quân cả hai mảng thơ, truyện: giải nhì thơ (không có giải nhất) và giải nhất truyện ngắn. Với chùm 3 tác phẩm truyện: Ngã ba sông, Ngọn lửa hình trái tim và Hoa mặt trời, anh đã thuyết phục bạn đọc bởi lối viết mềm mại, sắc sảo. Truyện giàu chất lịch sử nhưng thoát hẳn lối kể lể chạy theo lịch sử, thời gian, lịch sử đúng là “cái đinh để nhà văn treo bức tranh của mình”. Cũng từ đó một cách đều đặn, truyện anh xuất hiện trên các báo, tạp chí văn chương giàu uy tín. Năm 2019, thêm một lần khẳng định tài văn của mình khi anh đạt giải ba cuộc thi truyện ngắn Lửa mới do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Đây là một cuộc thi văn chương lớn, có sự góp mặt của nhiều nhà văn đã thành danh trong nước.
Nhà văn Triều La Vỹ
Đọc truyện của anh, người đọc sẽ cảm thấy thích thú với những câu văn, đoạn văn du dương nhạc điệu, giàu chất thơ. Bản thân anh cũng sảng khoái “thú nhận”: “Đúng vậy! Mình luôn muốn tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ từ người đọc thông qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, cảm xúc... qua các câu văn. Thậm chí nếu năng xuống dòng có thể là thơ”.
Cách mềm hóa câu chữ trong truyện, nhất là mảng truyện lịch sử mà Triều La Vỹ đang chuyên chú khai thác, tỏ ra đắc dụng. Hãy thử đọc một đoạn trong truyện ngắn Bóng rồng của anh để thấy nói như vậy cũng không quá - “Thật thú vị khi ngồi dưới gốc ổi vừa ăn vừa nhìn những con sóng đòng đưa từng bông nắng hồn nhiên về phía bờ bên kia. Khi một con le le vừa dáo dát vụt ra từ đám lau sậy rồi hớt hải chạy dọc bờ sông, tôi nghe gió thở dài./ Giờ này anh ở đâu, Búa ơi!/ Cảnh đó mà người xưa biền biệt cá nước chim trời”.
Những đắm đuối và đam mê sáng tạo
Năm 2020, tập truyện Bóng rồng gồm 13 truyện ngắn của Triều La Vỹ đã ra mắt bạn đọc. Qua truyện của anh, những nhân vật lịch sử quen thuộc như Mạc Đăng Dung, Trần Nhân Tông, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Diêu… hiện lên sinh động.
Nhà văn Triều La Vỹ tên thật là Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1972, hiện đang công tác tại Bệnh viện Mắt Bình Định. Anh đã xuất bản: Bên kia lời hẹn (thơ, 1990), Ba bờ nắng (thơ, in chung với Lê Trọng Nghĩa, Trần Hoa Khá), Nhật ký đêm (thơ, 2015), Bóng rồng (truyện, 2020).
Các nhân vật hiện lên bao giờ cũng có nét khác biệt so với những gì mà chúng ta quen thuộc. Nhân vật đã được anh kéo về tận đời thường, gần gũi với đời sống cơ cực của dân, cũng yêu thương ghét giận, ích kỷ hồ đồ. Cách Triều La Vỹ viết về Phật hoàng Trần Nhân Tông ở truyện Tuyết mai Yên Tử là một ví dụ. Trần Nhân Tông được biết đến là một vị vua anh minh, có công lớn đánh đuổi Nguyên - Mông, là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Nhưng Triều La Vỹ đã soi chiếu ông trong một nguồn sáng khác - phàm nhân. Anh chia sẻ: “Thần tượng hiện ra có cả tính ác và thiện, có cả cao thượng và thấp hèn, với đầy những giằng xé, mâu thuẫn trong nội tâm. Tôi tiếp cận họ, đi sâu vào nội tâm theo hướng phân tâm học”.
Điều dễ thấy trong truyện của Triều La Vỹ, là cách anh khéo léo truyền đi thông điệp của mình. “Mỗi truyện có ít nhất một thông điệp tôi gửi gắm. Ai chạm đúng thì nó bật ra vậy”, anh bộc bạch. Dõi theo từng truyện của Triều La Vỹ, bạn đọc thích thú khi nhận ra nhiều thông điệp ý vị. Ví như truyện Cầu tiên, cuộc hạnh ngộ và hành trình đi cùng nàng tiên nữ qua cõi bồng lai, gặp Ức Trai, gặp Tố Như của Quỳnh Phủ cho bạn đọc tiếp cận thêm về hai nhân vật Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.
Sự công phu bày xếp “giấc mơ tiên” của Quỳnh Phủ là một sắp xếp nghệ thuật. Chuyến viễn du vào miền tiên cảnh, gặp lại những bậc cao nhân kỳ sư, mê mẩn trong cuộc giao hoan, cả cái sự kinh hãi khi phát hiện tiên nữ kia chỉ là một con cáo cái. Tất cả chỉ là một giấc mơ - sự ám ảnh mãnh liệt của Quỳnh Phủ, một người soạn tuồng. Chàng nhập tâm mà như không thoát ra được số phận nhân vật mình. Để hết thảy cô kết thành một tác phẩm còn lưu truyền đến hậu thế trăm năm: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Hình ảnh Quỳnh Phủ - một người kịch tác gia nghệ thuật tuồng hiện lên trên nhiều chiều kích, dáng vẻ sinh động. Và có lẽ, cái đích xa hơn mà tác giả Triều La Vỹ muốn hướng đến, nhắn gửi, là một thái độ ứng xử với tác phẩm nghệ thuật của mình mà từ mỗi góc tiếp cận, mỗi nhân sinh quan, người đọc lại lẩy ra những ý vị riêng.
***
Thật khó để phân định giữa thơ và truyện, đâu mới là lợi thế thực sự của Triều La Vỹ. Bởi ở mảng sáng tác nào, anh đều rạng rỡ tỏa sáng. Riêng mảng truyện, anh đã khẳng định mình với một cá tính đã định hình. Tin rằng, với lối viết tung tẩy bay bổng, sự nghiêm cẩn chữ nghĩa, sự nghiên cứu thấu đáo tư liệu và tiếp cận mới mẻ với từng nhân vật, nhà văn Triều La Vỹ sẽ còn những bước tiến dài phía trước.
NGÔ PHONG
+ Nhà văn Triều La Vỹ tên thật là Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1972, hiện đang công tác tại Bệnh viện Mắt Bình Định. Anh đã xuất bản: Bên kia lời hẹn (thơ, 1990), Ba bờ nắng (thơ, in chung với Lê Trọng Nghĩa, Trần Hoa Khá), Nhật ký đêm (thơ, 2015), Bóng rồng (truyện, 2020).