Câu bài chòi bay về miền mây trắng
"Chồng thì tướng tá như voi/ Vợ thì như xác cá mòi phơi khô/ Mỗi lần mái tức giận cồ/ Chỉ cần túm áo xích vô cười nằm cười/ Hô! Là Tứ Xách nầy". Mỗi lần nhớ nghĩ tới câu hát - tôi lại như nghe văng vẳng câu bài chòi do NSƯT Nguyễn Kiểm viết, trước mắt là điệu bộ ông tự mình hô hát làm mẫu sinh động…
Nhưng từ bây giờ, chúng tôi mãi chẳng thể nghe ông trực tiếp hô hát nữa. Ông đã bay về miền mây trắng mênh mang tại nhà riêng vào chiều 5.11...
Kiểm "Chòi"
Năm ngoái, khi tôi và một người bạn đến thăm, ông đã yếu lắm. Nhưng khi gặp chúng tôi, khi nhắc về bài chòi, người nghệ sĩ đã gần 90 tuổi ấy như được tiếp thêm năng lượng, bỗng tinh anh lạ thường. Ông kể rành rẽ về bài chòi dân gian, từng khúc thức, từng tiến trình phát triển. Và ông hô hát. Lần nào đến thăm, chúng tôi cũng được ông “đãi” những câu hô thai dí dỏm, đậm chất dân gian.
NSƯT Nguyễn Kiểm.
Hôm ấy, ông lọ dọ đến bên chiếc tủ đã cũ, lấy ra một tập bản thảo, nhờ cậy: “Đây là những câu hô hát các con bài mà bác viết. Cháu mang giúp đưa cho nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha”. Ông muốn chia sẻ tâm huyết của mình với những tấm lòng đồng điệu. Khi nhắc đến NSƯT Nguyễn Kiểm, những thế hệ sau luôn dành cho ông sự kính trọng nhất mực. Như nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha từng nói “vì bác Nguyễn Kiểm là một bậc thầy đáng kính, hiếm ai yêu bài chòi, đắm đuối với bài chòi như bác ấy”.
Trong công trình nghiên cứu Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), ngoài giới thiệu những đóng góp đáng kể của NSƯT Nguyễn Kiểm về bài chòi, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha còn kể lại sự tích nghệ danh Kiểm "Chòi”: “Đặc biệt, Nguyễn Kiểm độc tấu bài chòi Bế Văn Đàn (của Nguyễn Đốc) cho Bác Hồ xem, nhân dịp Bác Hồ tiễn Bác Tôn đi dự hội nghị Á Phi năm 1956 tại Phủ Chủ tịch. Xem ông trình diễn xong, Bác Hồ khen: “Cái điệu bài chòi là điệu mang tính chiến đấu, hay lắm đấy, cần phải được gìn giữ”. Và Bác tặng cho nghệ sĩ Nguyễn Kiểm là Kiểm "Chòi” (tr. 173)".
Cái tên ấy đã thành “thương hiệu” của NSƯT Nguyễn Kiểm, cũng là sự khẳng định cho vai trò của ông trong nghệ thuật ca kịch bài chòi.
Một nghệ sĩ đa tài
Nguyễn Kiểm quê Hoài Nhơn, một trong những cái nôi của nghệ thuật dân gian bài chòi Bình Định. Gia đình ông đều có máu nghệ sĩ: Cha chơi đàn giỏi, anh của ông - Nguyễn Đốc - là nghệ nhân hô bài chòi nức tiếng một thời. Cũng chính Nguyễn Đốc là người thầy đầu tiên dạy Nguyễn Kiểm bài học vỡ lòng về bài chòi, gieo vào ông tình yêu để về sau ông gắn bó một đời.
NSƯT Nguyễn Kiểm chia sẻ về bài chòi với tác giả
Năm 1952, Nguyễn Kiểm gia nhập đội bài chòi ở Đoàn Văn công Liên khu 5. Sau thành công với nhiều vai diễn lớn như Tương Tử trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, Mã Giám Sinh trong Nghìn thu vọng mãi, Già Liêu trong Tiếng sấm Tây Nguyên… năm 1955, ông theo Đoàn tập kết ra Bắc. Để rồi, 20 năm trọn vẹn với nghiệp diễn nơi đất Bắc, ông mang bài chòi Bình Định đến với công chúng khắp nơi.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Kiểm trở lại quê hương, làm Phó Đoàn dân ca kịch Nghĩa Bình. Đến năm 1982, ông làm chuyên viên nghệ thuật sân khấu của Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình. Cũng từ đây ông vừa làm công tác quản lý vừa viết kịch bản, sáng tác, làm đạo diễn sân khấu, rồi đi chuyên sâu nghiên cứu về bài chòi cổ để giữ gìn bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Ông là tác giả kịch bản của nhiều vở diễn đã được dàn dựng và để lại cho khán giả nhiều cảm xúc như: Biển động tình người, Láo thật... Nguyễn Kiểm còn là tác giả chuyển thể, cải biên, nâng cao làn điệu khá thành công những vở như: Hoa Sơn Mỹ, Núi rừng năm ấy, Đồng tiền Vạn Lịch… Năm 1998, tại Liên hoan sân khấu dân ca tổ chức tại Huế, ông được Hội đồng giám khảo trao giải “Tác giả chuyển thể xuất sắc” cho vở Chuyện tình trong vương phủ và Chia tay hoàng hôn. Ngoài ra, ông còn là đạo diễn của nhiều vở như Lâm Sanh - Xuân Nương, Núi rừng năm ấy, Hoa Sơn Mỹ…
Miệt mài với con chữ, Nguyễn Kiểm khi viết kịch bản, lúc viết nghiên cứu, và cả sáng tác truyện, làm thơ. Ông là tác giả của tập truyện ngắn Sau tấm màn nhung (1982), tập kịch ngắn Mở trói (1998), hồi ký Xuân thất thập (2004), công trình nghiên cứu giới thiệu Nguồn gốc và sự phát triển bộ môn sân khấu bài chòi Bình Định…
Bên cạnh đó, ông đã tham gia đào tạo 7 khóa diễn viên, gồm 2 khóa tại chức ngoài Hà Nội và 5 khóa đào tạo ở miền Trung. Nhiều học trò của ông đã thành danh, có người giờ đã thành NSND, là những trụ cột của nền ca kịch đương đại. Với những đóng góp của mình, năm 1984, ông là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên của ngành Kịch hát dân ca khu 5 được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Về nhà…
Những bậc tinh anh của ngành ca kịch dân tộc cùng thời ông hầu hết đều dần rời cõi tạm. Nào ai có thể đi ngược lại quy luật sinh tử của tạo hóa? Ngay từ mấy năm trước, ông đã chuẩn bị tâm thế cho một sự ra đi. Khi ấy, ông chia sẻ rằng người bạn đời của ông cũng đã mất cách đây gần 20 năm. Ông cũng đã chuẩn bị cho mình một nơi cạnh bà khi an yên vĩnh viễn…
Ông nói cùng chúng tôi về ngôi mộ của mình bằng bài thơ ông viết có tiêu đề Mình viếng mộ mình: “Mộ giờ còn nửa cỏ phần xanh/ Vẫn níu hai bên bốn cạnh viền/ Giọt đèn tim tím ôi hiu quạnh/ Mình nhớ mình lên viếng mộ mình”. Khi ấy, ông còn cười tự trào: “Vậy mà, hơn chục năm rồi, ngôi nhà ấy vẫn trống. Năm nào bác cũng lên thăm bà nhà, cũng là lên thăm nhà mình…”.
Giờ thì, ông đã về với cụ bà trong “ngôi nhà” ấy, về với những người bạn một thuở vàng son câu hát. Xin tiễn biệt ông, một đại thụ của bài chòi dân gian Bình Định, một người thầy đáng kính của nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà.
NSƯT Nguyễn Kiểm sinh năm 1935, quê ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định. Ông là hội viên Chi hội Nghệ sĩ sân khấu, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Định); hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông có 3 HCV trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với những vai: Thái thú Tương Tử trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn (năm 1958); Già Liêu trong vở Tiếng sấm Tây Nguyên (năm 1964); Chi đội trưởng cảnh sát ngụy trong vở Đội kịch chim chèo bẻo (năm 1970). Ông nhận giải đặc biệt với vai Quan ngự y trong vở Huyền Trân công chúa (năm 1995); giải A giải Đào Tấn - Xuân Diệu (2001 - 2005)…
VÂN PHI