Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
Hiệu quả từ sự đồng bộ, hiện đại
Kết quả qua 3 năm thực hiện Nghị định số 61/2018/NÐ-CP của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn. Phóng viên Báo Bình Ðịnh phỏng vấn Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An xung quanh vấn đề này.
● Để một chính sách mới đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, khâu chỉ đạo, điều hành luôn đóng vai trò quan trọng đầu tiên. Theo ông, với Nghị định số 61/2018/NĐ-CP (Nghị định 61), công tác chỉ đạo, điều hành có điểm gì đáng chú ý?
- Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị định 61 đảm bảo thường xuyên, liên tục, sâu sát, quyết liệt, nhất là khâu hoàn thiện thể chế. Để tạo sự đồng bộ, thống nhất và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát TTHC, chỉ trong một thời gian ngắn, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định, Quy chế hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Nghị định 61 tại huyện Tây Sơn. Ảnh: N.V.T
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo việc triển khai xây dựng phần mềm Một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã kết nối liên thông đồng bộ với phần mềm sử dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để hình thành Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Sau đó, triển khai việc tích hợp, hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia để nâng cao hiệu quả cho công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến và phục vụ cho hoạt động theo dõi, quản lý của Văn phòng Chính phủ đối với công tác giải quyết hồ sơ TTHC của tỉnh theo quy định của Chính phủ.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tình trạng giải quyết từng hồ sơ TTHC của tỉnh sẽ được đồng bộ trạng thái xử lý (đúng hẹn, trễ hẹn) và cập nhật công khai trên Cổng Dịch vụ công của quốc gia. Vừa qua, một vài cơ quan, đơn vị của tỉnh chậm tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC trễ hẹn, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước/đúng hẹn của tỉnh ta đến thời điểm này là 98,8% (vượt tỷ lệ do Bộ Nội vụ quy định là 95%), nhưng đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa!
● Cổng Dịch vụ công của tỉnh là dấu ấn nổi bật trong quá trình thực hiện Nghị định 61. Xin ông thông tin cụ thể về vấn đề này?
- Cổng Dịch vụ công của tỉnh (dichvucong.binhdinh.gov.vn) được đầu tư xây dựng theo đúng quy định tại Nghị định 61 trên cơ sở tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 186 quyết định phê duyệt 2.058 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; làm cơ sở cho việc thiết lập quy trình điện tử giải quyết TTHC 3 cấp trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh. Qua đó, đảm bảo triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát huy rất tốt trong việc giám sát, theo dõi công tác giải quyết hồ sơ TTHC, hạn chế việc kiểm tra trực tiếp, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh với 1.141 thủ tục (đạt 75%) trên tổng số TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành thông báo hướng dẫn việc thực hiện và công khai cam kết với người dân, DN sẽ ưu tiên giải quyết trước thời hạn quy định đối với các hồ sơ TTHC thực hiện theo phương thức trực tuyến.
● Cổng Dịch vụ công của tỉnh Bình Định đã kết nối thành công với Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 5.12.2019, là một trong những địa phương đi tiên phong trong hoạt động này. Đâu là những kết quả đáng chú ý từ sự kết nối này, thưa ông?
- Đầu tiên, phải kể đến kết quả thực hiện tính đến ngày 5.11.2021, đã có 1.014/1.203 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có 59.158 hồ sơ phát sinh giao dịch trực tuyến.
Thứ hai, đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp nền tảng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; đảm bảo cho tổ chức, công dân thực hiện nộp phí, lệ phí khi giao dịch trực tuyến, nhất là đối với lĩnh vực thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai. Theo đó, đến nay đã có 2.634 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng.
Thứ ba, UBND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc tích hợp hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh với các cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương quản lý nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đơn cử, đã tích hợp thành công với một số phần mềm của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC như: Cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp giấy phép xây dựng và cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng…
Thứ tư, tỉnh ta đã triển khai thành công dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 5.11.2021, phòng tư pháp cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 13.253 hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, đã hoàn thành 11.816 hồ sơ. Việc sử dụng lại các bản sao chứng thực điện tử để nộp hồ sơ TTHC trực tuyến đã giúp DN, người dân thuận tiện hơn rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)