Sản xuất vụ Ðông Xuân 2021 - 2022: Chủ động kế hoạch sản xuất, đảm bảo lịch thời vụ hợp lý
Do ảnh hưởng của việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao, diễn biến thời thiết phức tạp, vụ Ðông Xuân 2021 - 2022 gặp nhiều khó khăn so với các năm trước. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, chủ động lịch thời vụ hợp lý.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), lịch thời vụ Đông Xuân 2021 - 2022 xuống giống từ cuối tháng 11.2021 kéo dài cho tới đầu tháng 3.2022; các địa phương sẽ xuống giống trên tổng diện tích 66.114 ha, trong đó có 47.735 ha lúa. Việc xuống giống phụ thuộc vào chân ruộng và cơ cấu giống của từng địa phương.
Năm nay, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, IPM, ICM để giảm chi đầu vào.
- Trong ảnh: Mô hình lúa thâm canh cải tiến SRI ở Tuy Phước. Ảnh: MINH TIẾN
Năm nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, giá vật tư nông nghiệp bị đẩy lên cao, thêm vào đó diễn biến thời tiết phức tạp (mưa muộn và kéo dài sang hết tháng 12), buộc ngành Nông nghiệp phải phối hợp với các địa phương xây dựng lịch thời vụ chi tiết, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho hay, nhờ đập ngăn mặn Lại Giang phát huy hiệu quả, tưới tiêu ổn định, sản xuất nông nghiệp của Hoài Nhơn thuận lợi hơn trước rất nhiều. Có đủ nước tưới, địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng hiệu quả, giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn (đậu phụng, bắp) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, mà trước tiên là dịch bệnh Covid-19, nhưng Hoài Nhơn vẫn bước vào vụ Đông Xuân 2021 - 2022 khá thoải mái.
"Giá vật tư nông nghiệp đặc biệt là phân bón tiếp tục tăng và có thể kéo dài tới tháng 6.2022. Trước đó, qua phân tích diễn biến thị trường, chúng tôi đã trữ sẵn một lượng lớn phân bón các loại để phục vụ thị trường trong tỉnh. Ðể chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, trong vụ Ðông Xuân 2021 - 2022, công ty thực hiện chính sách cho vay trả chậm, nghĩa là cho nông dân, HTXNN tạm ứng trước vật tư nông nghiệp, thu hoạch xong mới phải thanh toán, để giảm áp lực về vốn đầu tư ngay từ đầu vụ”.
Ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định
Đối với Phù Mỹ, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, huyện đưa vào sản xuất 100% giống lúa mới cho ở các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; thực hiện chuyển đổi 1.000 ha lúa 3 vụ bấp bênh sang gieo trồng 2 vụ ăn chắc để tăng hiệu quả.
Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là việc tổ chức sản xuất cây ớt. Năm 2020, diện tích cây ớt trên địa bàn huyện tăng lên, nông dân phấn khởi đầu tư khi giá ớt đầu vụ tăng lên. Tuy nhiên, về giữa vụ đến cuối vụ giá ớt sụt giảm. Từ thực tế đó, thời gian tới ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quy hoạch diện tích trồng ớt, tiến tới đề xuất cấp mã số vùng trồng, tạo đầu ra cho nông sản bằng việc xuất khẩu chính ngạch.
Trước những bất lợi về giá vật tư nông nghiệp và thời tiết, Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh áp dụng KHKT, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất như: IPM, ICM, SRI; tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân cân đối; sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng, gieo sạ mật độ hợp lý.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân cho hay, từ vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện Chương trình hành động số 11- CTr/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Sở giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề xuất cấp mã số vùng trồng với ớt và đậu phụng tươi, đây là điều kiện để chúng ta xuất khẩu nông sản chính ngạch qua Trung Quốc.
THU DỊU