TỔ CHỨC HỌC BÁN TRÚ, NỘI TRÚ:
Nhà trường cẩn trọng, phụ huynh đồng thuận
Trước tình trạng dịch Covid-19 đã len vào trường nội trú, bán trú ở một số tỉnh, thành trong nước gần đây, các đơn vị có tổ chức hình thức dạy học này ở Bình Định càng cảnh giác, siết chặt hơn công tác quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận phối hợp của phụ huynh.
Quản lý chặt học sinh
Trường THCS bán trú Canh Thuận, ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh bước vào năm học mới 2021 - 2022 từ ngày 20.9 bằng hình thức dạy học trực tiếp. Trong số 240 học sinh, trường có 60 em học bán trú đến từ xã Canh Thuận, xã Canh Hòa và làng Canh Giao của xã Canh Hiệp. Các em được bố trí 9 phòng ở, bếp ăn chia hai ca, lệch giờ; mọi hoạt động học tập, ăn ở, sinh hoạt của các em đều ở trong trường.
Theo ông Trần Duy Khá, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Canh Thuận, trước đây, các em đến trường, học từ thứ Hai tới trưa thứ Bảy mới về nhà. Nhưng năm học này, để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, nhà trường yêu cầu nội bất xuất, ngoại bất nhập, 60 học sinh bán trú từ đầu năm học đến giờ vẫn chưa về nhà. “Phụ huynh ký cam kết hỗ trợ nhà trường, tình hình dịch ổn định chúng tôi tính toán thời điểm cho các em về thăm nhà. Các em lớp lớn quen rồi, còn những em lớp 6 nhớ nhà khóc dữ lắm, thầy cô giáo phải động viên, thăm nom để an ủi các em”, ông Khá chia sẻ.
Tại Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh), học sinh ở bán trú từ tháng 9 đến nay chưa về nhà. Ảnh: T. HIỀN
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh có 452 học sinh, trong số này ngoài 215 học sinh THCS nội trú, nhà trường tạo điều kiện ở nội trú cho 34 học sinh THPT thuộc 2 xã vùng cao Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim từ ngày 8.9 đến nay. Ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh, cho hay: Ngoài thực hiện các nội dung phòng, chống dịch chung, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập, giáo dục và tổ chức công tác nội trú cho học sinh. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính…, chúng tôi tổ chức trực tuyến với 1 điểm cầu chính ở hội trường nối với các điểm cầu lớp học, các em tham gia rất hào hứng. Đây là nỗ lực rất lớn của trường để tạo không khí học tập không quá căng thẳng trong mùa dịch này cho học sinh.
Phải an toàn mới tổ chức bán trú
Ngoài các trường theo mô hình bán trú, nội trú ở 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, trên địa bàn tỉnh còn có một số trường tổ chức dạy bán trú, tập trung ở khối trường chuyên, trường mầm non.
Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) có 290 học sinh bán trú. Khi nhập học, toàn bộ các em đều được test nhanh SARS-CoV-2; trường hợp đặc biệt phải về nhà, khi quay trở lại học cũng phải được test nhanh tầm soát. “Học sinh nội trú thực hiện nghiêm túc 5K, tuyệt đối không được qua lại giữa các phòng ở; sử dụng khay đựng thức ăn cá nhân để nhận phần ăn tại nhà bếp của trường sau đó mang về phòng, nhà trường không bố trí bàn ăn tập thể. Học sinh tuân thủ quy định “một cung đường, hai điểm đến” di chuyển từ khu nội trú đến lớp học và ngược lại”, thầy Hiệu trưởng Dương Trọng Anh chia sẻ.
Tại Vân Canh, ngoài các trường THCS bán trú Canh Thuận, Phổ thông Dân tộc bán trú Canh Liên, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vân Canh, còn có 2 trường mầm non được tổ chức bán trú là Mầm non thị trấn Vân Canh và Mẫu giáo Canh Vinh. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phan Long Hợp cho hay, một số trường mầm non, mẫu giáo đề nghị cho tổ chức bán trú, nhưng chúng tôi chưa cho phép vì phải rất thận trọng, không thể làm ồ ạt!
Với 508 trẻ, chia thành 16 lớp, bà Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Vân Canh cho biết, khó khăn của trường là trẻ đông nhưng trường chật và thiếu giáo viên ở điểm trường lẻ. Do đó, nhà trường quyết định chỉ tổ chức bán trú cho 444 trẻ của 14 lớp ở 4/6 điểm trường đủ điều kiện cơ sở trường lớp và 2 giáo viên/lớp, nhằm đảm bảo an toàn cho cô và trò.
Học sinh học nội trú tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh. Ảnh: X. DŨNG
TX Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên tổ chức bán trú cho toàn bộ trường mầm non, mẫu giáo từ giữa tháng 10, nhưng đến nay đã tạm dừng khi xuất hiện ca F0 trở lại tại phường Hoài Hảo. Bà Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoài Thanh Tây, cho biết: Thời điểm nhà trường tổ chức bán trú có 363 trẻ (100%) ra lớp, khi có dịch tổ chức học 1 buổi/ngày thì số trẻ giảm chỉ còn khoảng 200 trẻ/buổi. Nhu cầu của phụ huynh cho trẻ học bán trú là có, song chúng tôi thảo luận cùng phụ huynh thấy rằng, quyết định tạm dừng bán trú là cần thiết để đặt an toàn cho trẻ lên hàng đầu!
“Hầu hết thời gian sinh hoạt và học tập của trẻ đều tại trường, môi trường tập thể nguy cơ lây nhiễm cao, nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chúng tôi hết sức quan tâm. Ít nhất đến thời điểm này vẫn còn ca bệnh thì các trường sẽ không tổ chức bán trú. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế của dịch, chúng tôi sẽ bàn bạc, tham khảo ý kiến của phụ huynh để quyết định trình UBND thị xã về việc tổ chức bán trú”, bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, khẳng định.
THU HIỀN