Chủ động ứng phó mưa lớn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài
(BĐ) - Sáng 9.11, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến về công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lớn ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Định.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh, từ 19 giờ ngày 7.11 đến 19 giờ ngày 8.11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa trung bình 44 mm. Các trạm có lượng mưa lớn: Hồ Mỹ Thuận (Phù Cát) 148 mm, Chi cục Thủy lợi (Quy Nhơn) 99 mm, xã Cát Thành (Phù Cát) 95 mm, Tường Sơn (Phù Cát) 83 mm, hồ Đá Mài (Vân Canh) 77 mm, hồ Cẩn Hậu (Hoài Nhơn) 76 mm, xã An Nghĩa (An Lão) 61 mm... Toàn tỉnh có 63/163 hồ chứa (dung tích từ 50.000 m3 trở lên) nước đã qua tràn, trong đó có 26/63 hồ đã đầy nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh dự cuộc họp trực tuyến. Ảnh: HOÀI THU
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ tối ngày 8 - 14.11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa dự báo: Phía Bắc tỉnh phổ biến 400 - 700 mm, có nơi trên 800 mm; phía Nam tỉnh từ 300 - 600 mm, có nơi trên 700 mm. Từ ngày 8 - 15.11, dự báo mực nước trên các sông trong tỉnh dao động và khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ lên mức báo động 2 - 3, có nơi trên báo động 3.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, UBND tỉnh đã triển khai ngay đến các địa phương và thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh có văn bản số 12/BCH-PCTT ngày 8.11 gửi ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành để tập trung triển khai một số nhiệm vụ, chủ động ứng phó với mưa lũ. Trong đó, sẵn sàng sơ tán dân vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nhiều ngày tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ lụt chia cắt. Tăng cường kiểm tra các điểm có nguy cơ cơ cao, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông an toàn. Huy động lực lượng kiểm tra, xử lý kịp thời thông thoáng dòng chảy thoát lũ. Tổ chức vận hành, điều tiết hồ chứa bảo đảm an toàn, trong đó tiếp tục lưu ý nhiều hơn nữa đối với công tác vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Côn - Hà Thanh. Bộ CHQS tỉnh sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chuyên dùng để triển khai phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; khắc phục khu vực sạt lở...
Nguồn: BTV
Tại cuộc họp, lãnh đạo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo từ ngày 15.11, mưa lớn từ khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông… Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, yêu cầu ngay sau cuộc họp, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các tỉnh, thành phân công các thành viên trực tiếp xuống các địa phương có nguy cơ cao khi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để kiểm tra, chỉ đạo chủ động ứng phó, hoặc tiếp tục có văn bản chỉ đạo kịp thời tập trung cho công tác này. Triển khai ngay lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở các địa phương kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn… Tập trung triển khai các nội dung Công điện số 21/CĐ-VPTT tối ngày 8.11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
HOÀI THU