Bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định: Làng võ bên sông Côn
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 27 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư… trên 12.000 võ sinh, 177 câu lạc bộ, võ đường hoạt động thường xuyên.
“Ai về Bình Định mà coi.
Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền”
Câu ca dao này bao đời nay vẫn luôn khiến người dân Bình Định tự hào về quê hương được mệnh danh là "miền đất võ”.
Sự hình thành, phát triển võ cổ truyền Bình Định gắn liền với dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước, trải qua hàng trăm năm, tích hợp, môn võ này đã chọn lọc được các giá trị tinh hoa dân tộc, trở thành một hệ giá trị đặc trưng của vùng đất, thành tố văn hóa đậm đà bản sắc, bám rễ và ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Sông Côn là con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Bình Định, với chiều dài 171 km, lưu vực sông có diện tích 2.980km2 thuộc các huyện An Khê (Gia Lai), An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước (Bình Định).
Bao đời nay, người dân Bình Định đã định cư, sinh sống gắn liền với sông Côn, dòng sông này cũng trải qua bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến nhiều khúc gập ghềnh của đời sống nhân dân, sự thịnh suy của võ cổ truyền Bình Định.
Võ được hình thành từ dân, làng, xã…
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.
Theo Viện trưởng Viện Võ học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam Phạm Đình Phong: Ở thời kỳ đó, vùng đất này còn tương đối bất ổn, vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan, chiến binh… tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ.
Nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và lập nên những làng, xã, hương, trang, họ khai khẩn, mở mang và canh tác. Cũng chính từ việc xác định định cư lâu dài, họ đã sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó biến vùng đất này trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.
Sau đó, võ nghệ cũng được truyền dạy phổ biến cho người dân. Nhiều địa phương khác cũng đã nghe tiếng và tới đây giao lưu, học hỏi, nghiên cứu. Họ cũng mang theo những tuyệt kỹ riêng của dòng phái, bản thân làm cho việc truyền-học võ thuật ngày càng phát triển.
Sau này, nhà Tây Sơn khởi binh đã rất nhanh chóng hội tụ được nhiều anh hùng hào kiệt, võ quan, võ tướng, người tài giỏi do nhân dân ở nơi đây đã có nền tảng vững chắc, căn bản về võ thuật.
Ngày nay, ven dòng sông Côn, nơi bao đời “nước ôm dân vào lòng, dân ôm nước vào dạ,” ở những khoảnh đất trống, mảnh ruộng nhỏ, sau những giờ lao động, học tập, vẫn vang tiếng hô của võ sinh rèn luyện, tiếp thu tuyệt kỹ đường quyền của các bậc tiền bối võ sư.
Theo Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định Bùi Trung Hiếu, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 27 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư… trên 12.000 võ sinh, 177 câu lạc bộ, võ đường hoạt động thường xuyên.
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục làng võ nổi tiếng, mỗi làng võ gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử làng xã Bình Định nhiều thế kỷ, trong đó, huyện Tây Sơn có các làng võ Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền; thị xã An Nhơn có các làng võ An Thái, Thắng Công; huyện Tuy Phước có các làng võ An Hòa, Kỳ Sơn; huyện Phù Cát có các làng võ Phú Nhân, Đại An, Hòa Hội; huyện Phù Mỹ có làng võ Mỹ Hòa,…
Mỗi làng võ tạo nên những dòng võ, lò võ với đặc trưng riêng: Lò võ Phan Thọ, lò võ Hồ Sừng, lò võ Lý Xuân Hỷ, câu lạc bộ võ Chùa Long Phước, lò võ Phi Long Vịnh…
Mỗi lò võ gắn với những truyền nhân mà tên tuổi của họ đã tạo nên điểm khác biệt, tạo dấu ấn riêng của từng môn phái, đại diện cho một trường phái võ học tiêu biểu trong tổng thể võ thuật cổ truyền Bình Định.
Đậm chất võ bản địa
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh, hòa quyện và chắt lọc cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, nhưng mang sự riêng biệt của võ cổ truyền Bình Định.
Tính độc đáo của võ cổ truyền Bình Định thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Võ thuật là tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong và bên ngoài cơ thể.
Đối với võ lý, võ cổ truyền Bình Định mang đậm tính bác học, là cơ sở lý luận của võ cổ truyền được xây dựng trên học thuyết âm-dương. Về võ đạo, giúp cho người luyện võ rèn luyện đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, bù đắp tinh thần thượng võ, trọng nhân nghĩa và phát triển thành nguyên lý ứng xử của giới học võ.
Võ cổ truyền mang đậm tính dân gian được in dấu trong các võ cụ, các thế võ và bài quyền được mô phỏng từ các thế giao tranh của loài vật. Các môn quyền thuật của võ cổ truyền Bình Định cấu tạo bằng cương quyền và nhu quyền, các môn binh khí được đúc kết và nâng cao trên cơ sở các động tác sử dụng công cụ sản xuất, là kết quả của một quá trình sàng lọc, lựa chọn công phu.
Theo Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định Bùi Trung Hiếu, Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng, mỗi làng võ gắn với từng địa danh đã tồn tại trong lịch sử làng xã nhiều thế kỷ.
Những tinh hoa võ thuật cổ truyền đã khắc họa rõ nét võ học Bình Định, đó là quyền An Thái với đường nét sắc sảo, bay bướm, tiến thoái linh hoạt trong khi quyền An Vinh nghiêng về đánh móc, ra đòn hiểm; giữa côn pháp (tiếng địa phương gọi là roi) của các dòng võ cũng có sự phân biệt, đặc biệt các phép roi rút, roi cộng lực, roi đổ thủy, roi nghịch là “đặc sản” của roi Thuận Truyền.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển trên trong không gian lịch sử - văn hóa, giữa các dòng võ, làng võ luôn có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau để rút ra cách khắc chế, luyện những "ngón" đòn độc đáo nên võ học Bình Định đã trở thành một di sản nhiều tầng lớp, phong phú và uyên thâm.
Trước những biến động của thời gian, một số địa danh các làng võ không còn trùng khớp với phân định hành chính hiện nay, nhưng hệ thống quyền thuật, bí kíp của từng hệ phái, võ đường, làng võ đã tạo nên “danh hiệu,” hình thành địa danh văn hóa có sức sống sâu bền trong đời sống võ thuật của đất Bình Định nói riêng và nền võ thuật cổ truyền dân tộc nói chung./.
(Theo Nam Thái/TTXVN/Vietnam+)