Ðẩy mạnh phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ thủy sản nuôi
Theo Chi cục Thủy sản, tính đến tháng 10.2021, tỉnh Bình Định có khoảng 1.500 ha mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt, diện tích nuôi tôm nước lợ gần 2.500 ha (tính cả 2 vụ nuôi); ngoài ra, còn có một số diện tích nuôi thủy sản ở vùng nước mặn. Sự phong phú về môi trường nuôi tạo ra sự đa dạng từ sinh kế đến sản phẩm thu hoạch, nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ thủy sản nuôi, đặc biệt là các DN, đơn vị chuyên sản xuất giống thủy sản.
Ngày 3.11, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030 trên hệ thống thông tin cơ sở tỉnh Bình Định.
Theo đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương sẽ phối hợp thực hiện nhiều hình thức truyền thông, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng đối tượng, như: Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở; thông tin trên bảng tin công cộng, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, cuộc thi, tập huấn chuyên đề...
Ở tỉnh ta, nuôi tôm nước lợ thường đối mặt nhiều nguy cơ dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Riêng vụ 2 năm nay, khoảng 28 ha hồ tôm đã phát bệnh với nhiều mức độ khác nhau. Có một vấn đề dây dưa nhiều năm qua là một số người khi phát hiện tôm mắc bệnh thường không báo ngay cho cơ quan có chức năng, đủ năng lực tư vấn hướng khắc phục, mà lại lẳng lặng tự xử lý. Đây là một trong những lý do hàng đầu khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Do đó, việc UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi với khung thời gian dài hơi - đến năm 2030, cho thấy tỉnh ta đánh giá rất nghiêm túc vấn đề này.
MAI THƯ