Theo dõi sát diễn biến mưa lớn, sẵn sàng ứng phó
Hơn 2 ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Ðông trên cao nên từ nay đến ngày 14.11, khu vực tỉnh Bình Ðịnh sẽ liên tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; nguy cơ rủi ro thiên tai ở cấp độ 2.
Tại cuộc họp trực tuyến do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức sáng ngày 9.11, bàn công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lớn ở các tỉnh, thành miền Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Tỉnh Bình Định đã triển khai công tác chuẩn bị ứng phó đến cấp cơ sở, cụm dân cư. Bộ CHQS tỉnh đã sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chuyên dùng để triển khai phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...
Hồ chứa nước Định Bình điều tiết nước, chuẩn bị đón lũ (ảnh chụp chiều 9.11). Ảnh: CCTL
Sau khi nghe báo cáo chi tiết, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đánh giá: Tỉnh Bình Định đã chuẩn bị khá đầy đủ, tương đối toàn diện để sẵn sàng ứng phó mưa lũ, đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ người dân và đảm bảo an toàn phòng dịch.
Mưa lớn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài
Ngày 8.11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành tập trung chủ động ứng phó với mưa lũ. Trong đó, sẵn sàng sơ tán dân vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nhiều ngày tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ lụt chia cắt. Kiểm tra các điểm có nguy cơ cao, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông an toàn. Cùng với đó tổ chức vận hành, điều tiết hồ chứa, tiếp tục lưu ý nhiều hơn nữa công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh.
Thông tin tại cuộc họp về công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lớn ở các tỉnh, thành miền Trung vào sáng 9.11, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết: Mưa lớn tập trung từ ngày 9 - 14.11, trong đó khu vực phía Nam tỉnh Quảng Nam, cùng hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có mưa lớn nhất; từ ngày 15.11, không khí lạnh suy yếu nên lượng mưa giảm so với các ngày trước, nhưng mưa to có khả năng chưa kết thúc, dự đoán vẫn khoảng từ 50 - 100 mm/ngày ở các khu vực.
Trao đổi về công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện An Lão Trương Tứ cho biết, đến chiều 9.11 ở An Lão mới chỉ có mưa nhỏ, mực nước sông An Lão vẫn dưới mức báo động 1. Bà con đã thu hoạch xong vụ mùa, vụ Đông Xuân 2021 - 2022 mới chuẩn bị, còn chờ dự báo của cơ quan chuyên môn và thực tế tình hình mưa lũ để triển khai, tránh bị ảnh hưởng, thiệt hại. Huyện có 6 điểm có nguy cơ sạt lở và địa phương đã có phương án, sẵn sàng di dời dân. Do được cảnh báo thời tiết sẽ diễn biến phức tạp nên huyện hết sức cảnh giác, không hề chủ quan lơ là.
Hạ mức nước hồ Định Bình để đón lũ
Chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi Bình Định, bắt đầu từ ngày 9.11 tiến hành điều tiết hồ chứa nước Định Bình để hạ mực nước, đón lũ.
Theo đó, lưu lượng nước xả về hạ lưu (bao gồm nước qua tràn và mở 1 cửa xả đáy) được điều tiết tăng dần, lớn nhất là 600 m3/s, hạ mực nước hồ xuống mức đón lũ thấp nhất, nâng cao năng lực cắt lũ đảm bảo an toàn cho hạ lưu. Thời gian bắt đầu thực hiện từ 11 giờ ngày 9.11 cho đến khi mực nước trạm thủy văn Bình Nghi vượt cao trình +16.2 và dưới cao trình +16.5.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, Ủy viên Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, Tổ trưởng Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh, phân tích: Việc vận hành điều tiết hệ thống liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh góp phần giảm lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu của tỉnh trong mùa mưa lũ. Trong đó, quyết định điều tiết nước, xả nước để đón lũ trên hồ Định Bình rất quan trọng. Mưa đầu nguồn - tính ở trạm quan trắc hồ Vĩnh Sơn - tạo nên dòng nước lớn, từ đó đổ về hồ Định Bình mất khoảng 3 - 5 giờ đồng hồ, chúng tôi căn cứ vào đây để phân tích và đưa ra dự báo đón nước, cắt lũ… Tùy theo diễn biến thực tế sẽ điều chỉnh liên tục để đảm bảo an toàn cho công trình và cả vùng ảnh hưởng sau thân đập, đặc biệt là vùng hạ lưu.
HOÀI THU - THU DỊU