Ðề phòng tình trạng ngư dân rớt xuống biển khi đánh bắt hải sản: Xin đừng chủ quan!
Theo một thống kê không chính thức, mỗi năm, có trên dưới 20 ngư dân của tỉnh rớt xuống biển chết hoặc mất tích khi đang đi đánh bắt hải sản, mà nguyên nhân chủ yếu là lỗi chủ quan của cá nhân.
Gần đây nhất là vụ việc 2 ngư dân ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) tử vong do bị sóng lớn đánh rơi xuống biển, đó là anh Nguyễn Tươi Tốt (SN 1988) và ông Nguyễn Thanh Sơn (SN 1963). Theo lời kể của ông Nguyễn Bổn (SN 1964), ngư dân sống sót trong vụ này thì sóng lớn ập vào phủ lên chiếc thuyền nhỏ lúc mọi người đang ngồi ăn cơm và cả 3 cùng bị kéo rơi xuống biển. Ông Sơn bị va đập mạnh, máu chảy nhiều, có biểu hiện đuối sức nên anh Tốt đã cởi áo phao đang mặc để khoác cho ông. Không ngờ, vừa lúc đó xuất hiện một con sóng lớn phủ lên và cuốn cả anh Tốt lẫn ông Sơn ra xa. Anh Tốt mất để lại vợ và con nhỏ mới mười mấy tháng tuổi, hai vợ chồng anh mới vay Ngân hàng CSXH huyện 63 triệu đồng về đóng chiếc thuyền này.
Hội CTĐ TX Hoài Nhơn đến viếng và trao hỗ trợ cho vợ con ngư dân xấu số Nguyễn Tươi Tốt. Ảnh: Hội CTĐ TX Hoài Nhơn
Hồi giữa năm nay, ngày 11.6, ngư dân Trần Cu ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) cũng bị rơi xuống biển mất tích. Ngày 10.5, ngư dân Võ Văn Phát ở TP Quy Nhơn bị rơi xuống biển mất tích. Trước đó, tháng 2.2021, ngư dân Lê Thành Hải ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) leo lên nóc ca bin tàu cá để phơi mực nhưng sau đó, các thuyền viên trên tàu không nhìn thấy anh nữa, mọi tìm kiếm đều vô vọng…
Theo những ngư dân nhiều năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển, có rất nhiều lý do khiến ngư dân rớt từ tàu xuống nước. Ngoài lý do khách quan là sóng to gió lớn, còn do ngư dân thiếu kinh nghiệm, bất cẩn và chủ quan. “Họ ngồi phơi cá, mực trên nóc ca bin, gặp lúc tàu lắc mạnh hoặc nghiêng qua một bên mà không kịp bám víu là rớt xuống nước ngay. Cũng có người rớt lúc đi vệ sinh, người mớ ngủ bước hụt chân hay chỉ đơn giản là ngồi trên thành tàu hút điếu thuốc nghỉ mệt lúc tàu lắc lư mạnh… Số người rớt xuống nước vào ban đêm hầu như rất khó tìm”, ngư dân Phan Hồng Nhật ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) chia sẻ.
Mùa biển động - theo kinh nghiệm của những người đi biển thì cũng là lúc có nhiều cá, mực và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người làm nghề. Dù vẫn biết “sinh nghề tử nghiệp”, nhưng hiện nay ngư dân có nhiều sự hỗ trợ về trang thiết bị bảo hộ, hệ thống thông tin liên lạc... để giảm nguy cơ “tử nghiệp” hơn. “Vấn đề còn lại và cũng là quan trọng nhất là ý thức của ngư dân trong việc tự trang bị kiến thức, kỹ năng về nghề, sử dụng thường xuyên những trang thiết bị đảm bảo an toàn cho bản thân khi hành nghề, như áo phao, bộ áo phao cứu sinh đa năng. Ngoài ra, hãy dành thời gian nghe dự báo thời tiết và tuyệt đối không được chủ quan trong những ngày mưa to gió lớn”, là lời khuyên từ các lão ngư dạn dày kinh nghiệm.
NGỌC TÚ