NGHỊ ĐỊNH 93/2021/NĐ-CP:
“Cú hích” cho hoạt động từ thiện
Mở rộng đối tượng tham gia và quy định chặt chẽ hơn trong tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động từ thiện, Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 11.12.2021, nhằm tạo cơ sở pháp lý, thúc đẩy công tác này thời gian tới.
Công nhận từ thiện cá nhân
Nghị định 93/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 93), quy định về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, thay thế cho Nghị định 64/2008/ NĐ-CP. Điểm mới lớn nhất của Nghị định 93 là bổ sung thêm đối tượng được tham gia kêu gọi, huy động để tổ chức hoạt động từ thiện là cá nhân, với điều kiện có đủ năng lực hành vi dân sự và tuân thủ các quy định đi kèm. (Nghị định 64 chỉ quy định các tổ chức tham gia như MTTQ Việt Nam, Hội CTĐ, cơ quan đại chúng, quỹ từ thiện, quỹ tín dụng…).
Nghị định 93 ra đời sẽ là cơ sở pháp lý định hướng, thúc đẩy hoạt động từ thiện xã hội. - Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Lệ Hiền thăm hỏi, tặng quà từ thiện cho bà Lý Thị Hoa, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn. Ảnh: SAO LY
“Đây được xem là sự bổ sung rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thêm nguồn lực xã hội cho công tác từ thiện”, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Hà Văn Cát nhận xét. Theo ông, có thể thấy qua hoạt động từ thiện những năm gần đây, mặc dù chưa được công nhận nhưng có rất nhiều cá nhân tích cực tham gia, góp phần cho công tác từ thiện nhân đạo trên cả nước thêm lớn mạnh, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng. Qua thực tiễn mảng hoạt động từ thiện cá nhân tự phát trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội nhanh chóng phát triển. Đồng thời minh chứng truyền thống nhân ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc và cho thấy việc tham gia thiện nguyện chân chính, thể hiện tình cảm san sẻ với đồng bào, người khó khăn là quyền chính đáng và cần được trân trọng, khuyến khích.
Do đó việc chính thức được công nhận vai trò của hoạt động từ thiện cá nhân là tin vui, sự động viên lớn cho những người làm thiện nguyện trong tỉnh và là động lực để họ tiếp tục, nỗ lực hơn nữa. Chị Nguyễn Thị Lệ Hiền, một địa chỉ kết nối vận động hảo tâm trẻ và tích cực ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn chia sẻ: “Đúng như tin tưởng và chờ đợi về sự tiến bộ, hoàn thiện, nhân văn của chính sách, pháp luật nước ta, những người lặng thầm kết nối, vận động nhỏ lẻ ở cơ sở cũng đã được trao quyền tham gia hoạt động và ghi nhận sự đóng góp. Bên cạnh đó, những quy định, hướng dẫn đi kèm giúp chúng tôi có cơ sở pháp lý và yên tâm hoạt động”.
Hoạt động công khai, minh bạch
Theo Nghị định 93, cá nhân có quyền đứng ra kêu gọi, tiếp nhận nguồn từ thiện nhưng UBND cấp xã là đơn vị chủ trì phân phối, đồng thời chịu trách nhiệm xác định đối tượng, mức và thời gian hỗ trợ để tổ chức phân phối nguồn từ thiện. Trong những trường hợp cần thiết, cấp xã phải liên hệ, báo cáo với UBND tỉnh, thành phố để được hướng dẫn.
Bên cạnh đó, quy trình vận động, tiếp nhận, phân phối cũng được Nghị định quy định, hướng dẫn cụ thể. Theo đó, cá nhân chỉ cần thông báo trên phương tiện truyền thông về hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận - đối với tiền, địa điểm - đối với hiện vật và thời gian cam kết phân phối. Cá nhân phải ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, việc phân phối tiền, hiện vật và gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú để lưu trữ, phục vụ việc quản lý, giám sát. Nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, cá nhân kêu gọi quyên góp phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Một trong những nội dung mới rất cần thiết nhằm khắc phục, ngăn ngừa những bất cập, kẽ hở trong quản lý hoạt động này, được quy định tại khoản 2, Điều 17 của Nghị định: Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại trong mỗi cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ nguồn tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời phải có biên nhận các khoản quyên góp từ thiện khi các nhà hảo tâm yêu cầu. Sau khi kết thúc tiếp nhận như đã thông báo, cam kết, không được phép tiếp nhận thêm và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tiền ủng hộ.
Đánh giá về quy định trên, nhiều luật sư cho rằng: Việc quy định chỉ sử dụng 1 tài khoản duy nhất cho 1 lần kêu gọi từ thiện giúp tách bạch nguồn tiền từ thiện với nguồn tiền cá nhân của người kêu gọi từ thiện, là giải pháp minh bạch, tránh sự nhầm lẫn, nhập nhằng; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác kiểm kê, sao kê chứng minh việc kêu gọi, tiếp nhận, phân phối nguồn tiền từ thiện, giúp công tác quản lý, kiểm soát hoạt động được thuận lợi, hiệu quả hơn.
Có thể thấy, sự ra đời của Nghị định 93 nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác từ thiện xã hội bằng những quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể, giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại, ngăn chặn phát sinh, nguy cơ tiêu cực. Hy vọng đó sẽ là “cú hích” cho mảng hoạt động này cũng như công tác từ thiện nhân đạo nói chung trong thời gian tới.
SAO LY