Chuyện chiếc cầu tre An Chánh
Hiện nay, đang cao điểm vào mùa mưa bão, để đảm bảo người dân không qua lại cầu, UBND xã Tây Bình (huyện Tây Sơn) đã cho tháo dỡ cầu tre tạm An Chánh bắc qua sông Côn nối hai xã Bình Nghi và Tây Bình. Theo ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, hằng năm vào khoảng cuối tháng 9, xã vận động người dân tháo dỡ cây cầu này, bởi nước lũ chảy xiết, nguy cơ sập, trôi cầu là thường trực. Nếu để cầu tồn tại, người dân liều mình đi qua sẽ dẫn đến bị nước lũ cuốn trôi, nguy hiểm đến tính mạng. Đến khoảng đầu năm sau sẽ cho người dân làm lại cầu”.
Được biết, cầu tre An Chánh hình thành đã hơn 20 năm nay, có chiều dài hơn 500 m. Cầu phục vụ đi lại cho khoảng 200 hộ dân ở xã Tây Bình để vào trung tâm huyện. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại cầu.
Ông Nguyễn Tấn Đạt (ở xã Tây Bình), tổ trưởng tổ làm cầu tre tạm này cho biết: “Để làm lại cây cầu tre này phải tốn hơn 200 triệu đồng. Trong tổ gồm có 6 người hùn vốn làm cầu ban đầu, sau đó số tiền này trích từ tiền thu phí người dân qua lại cầu (xe máy 5.000 đồng/lượt; xe đạp 2.000 đồng/lượt, đi bộ 1.000 đồng /lượt)”.
Cầu chỉ rộng tầm 1 m, không có lan can, được làm tạm bợ bằng những thanh tre mỏng được đan lại với nhau và chằng buộc bằng sợi thép. Phần chân cầu làm bằng cây gỗ. Nhiều người qua cầu thót tim, vì chỉ cần một chút bất cẩn là người và phương tiện có thể rơi xuống sông và cũng đã thường xuyên xảy ra. Dù biết nguy hiểm, nhưng hằng ngày họ vẫn qua lại cầu vì đây là con đường gần nhất dẫn vào trung tâm huyện. Bởi nếu đi đường vòng xuống cầu An Thái (TX An Nhơn) phải mất thêm gần 15 km hoặc đi lên phía trên qua cầu Phú Phong thì cũng phải mất quãng đường xa hơn, rất bất tiện.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Trong đồ án phát triển đô thị Tây Sơn tới năm 2035 và danh mục công trình trung hạn, huyện có đề nghị xây cầu này bởi nó đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát, nguồn vốn đầu tư cho cây cầu này lên đến gần 250 tỷ đồng, nên việc xây dựng rất khó thực hiện trong giai đoạn này”.
Như vậy, cầu tre tạm An Chánh vẫn sẽ phải tiếp tục tồn tại với “đầu năm làm cầu cuối năm tháo dỡ”. Người dân Tây Bình rất mong được hỗ trợ về chi phí và kỹ thuật để họ có được chiếc cầu An Chánh phù hợp với địa hình vững chắc, an toàn và thông suốt trong năm.
VĂN PHONG