Hành khách e dè, nhà xe cẩn trọng
Dù được “bật đèn xanh” cho phép hoạt động trở lại, nhưng tình hình hoạt động của nhiều tuyến vận tải hành khách vẫn còn ở mức cầm chừng, khi hành khách lẫn nhà xe vẫn e dè.
Sau khi nhận được sự đồng thuận và có ý kiến cùng thống nhất hoạt động trở lại các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có đối lưu với tỉnh Bình Định, ngày 3.11, Sở GTVT có thông báo cập nhật hoạt động trở lại các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Bình Định đi, đến 16 tỉnh, thành phố và ngược lại, gồm: TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Phú Yên, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, TP Cần Thơ, Đắk Nông, Tiền Giang, Quảng Nam, Bình Dương, Bình Thuận, TP Hà Nội, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vắng vẻ
Dù đã được cho phép hoạt động trở lại, nhưng các tuyến vận tải hành khách cố định có số chuyến xe lẫn lượng khách đi lại rất thấp. Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, tính từ đầu tháng 11 đến hết ngày 8.11, có 14 đơn vị vận tải tham gia các tuyến liên tỉnh với 24 chuyến thực hiện; tổng khách đến là 89, khách đi là 127. Tuyến “sôi động” nhất là Quy Nhơn - Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ có 6 đơn vị tham gia với 12 chuyến, vỏn vẹn 64 khách đến và 94 khách đi.
Các nhà xe chạy tuyến Quy Nhơn - Bến xe miền Đông hoạt động chủ yếu cầm chừng để giữ khách. Ảnh: N.V.T
“Các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đã “thoáng” hơn nhiều so với thời điểm trước đó, nhưng người dân vẫn còn lo lắng trước tình hình số ca mắc mới còn nhiều. Đây là lý do chính khiến lượng hành khách đi lại liên tỉnh rất hạn chế”, ông Nhân nhận định.
Là một trong những đơn vị có “thâm niên” trên tuyến đường Quy Nhơn - Bến xe miền Đông, nhưng nhà xe Hùng Nga cũng không tránh khỏi tình trạng “chợ chiều” ở thời điểm hiện tại. Mỗi buổi chiều, đón khách từ Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đến Quy Nhơn, chiếc xe duy nhất hoạt động của nhà xe này cũng chỉ có chừng 5 - 6 khách.
“Trong 6 xe, chúng tôi chọn ra chiếc mới nhất, khang trang, sạch sẽ để phục vụ khách trong giai đoạn này. Tuy nhiên, lượng khách vẫn rất hạn chế. Cũng may là lượng hàng hóa nhận 2 chiều gần đây tăng lên, phần nào bù lỗ cho chuyến xe”, ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hùng Nga, chia sẻ.
Trong khi đó, với đội xe hùng hậu gồm 10 chiếc (4 xe phòng nằm và 6 xe giường nằm), nhà xe Hoàng Dũng cũng chỉ “rục rịch” mở bến với 1 xe phòng nằm. Theo ông Phạm Nguyễn Quốc Huy, chủ nhà xe Hoàng Dũng, xe phòng nằm chỉ có 22 chỗ, ít hơn một nửa so với xe giường nằm, vừa phục vụ tốt hành khách, vừa đảm bảo yêu cầu giãn cách phòng dịch. Tuy nhiên, lượng khách mỗi chuyến bình quân cũng không đạt nửa số chỗ.
“Tình hình chỉ khá khẩm hơn một chút vào chiều thứ Sáu ở chiều Sài Gòn - Quy Nhơn và chiều Chủ nhật ở chiều ngược lại. Bên cạnh xe khách mới hoạt động trở lại, chúng tôi vẫn duy trì xe tải chở hàng hóa để kiếm thêm chi phí bù lỗ, nhất là khi xăng dầu liên tục tăng giá những ngày qua”, ông Huy thông tin thêm.
Thực tế cho thấy, việc mở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Từ Ninh Thuận ra Quy Nhơn thi công dự án điện gió, anh Phạm Hoàng Phúc “kẹt” ở đây hơn 3 tháng; đến tối 9.11, anh mới lên xe khách trở về. Hay như chị L. (ở huyện Tuy Phước), bị ung thư tuyến giáp, lịch hẹn tái khám tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh từ tháng 6.2021, nhưng do tình hình dịch bệnh cứ lần lữa mãi. “Tôi mới tiêm 1 mũi vắc xin, hơi lo lắng nhưng vẫn phải lên xe đi tái khám vì đã hết thuốc điều trị”, chị L. chia sẻ.
An toàn là trên hết
Dù số chuyến xe và lượng khách đi lại rất ít ỏi, nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được quan tâm đặc biệt trên các tuyến liên tỉnh.
Ông Phạm Nguyễn Quốc Huy cho biết, ở chiều Quy Nhơn - Sài Gòn, hành khách không cần kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K, nhất là đeo khẩu trang suốt đường đi và khai báo y tế nghiêm túc. Ở chiều ngược lại, khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được lên xe, cả đội ngũ tài xế, phụ xe cũng phải chấp hành quy định này.
“Cách đây mấy ngày, gần đến giờ xuất bến tại Bến xe miền Đông, phụ xe gọi điện thì khách nói mới xét nghiệm dương tính, phải ở lại điều trị xong mới về được. Nếu chúng ta không kiểm tra kỹ, lọt người dương tính lên xe, về địa phương thì hậu quả biết đâu mà lường”, ông Huy nói.
Tương tự, nhà xe Hùng Nga cũng yêu cầu hành khách từ TP Hồ Chí Minh về phải có kết quả test nhanh âm tính; không đón khách vãng lai dọc đường, không dừng ở các trạm nghỉ chân để khách ăn uống, mọi người phải ăn tối trước khi lên xe. Nhà xe chi tiền để tài xế, phụ xe kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Không chỉ các nhà xe nghiêm ngặt trong giai đoạn mới mở cửa, các hành khách cũng ý thức tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19. “Dù đã được tiêm 2 mũi vắc xin, nhưng tôi biết nguy cơ mắc bệnh vẫn còn. Vào TP Hồ Chí Minh thăm người thân, trở về tôi sẽ đi xét nghiệm nghiêm túc mới lên xe”, chị Dương Thị Mỹ Nga, hành khách từ Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) đi TP Hồ Chí Minh, tâm sự.
NGUYỄN VĂN TRANG