Định hình nền văn hóa mới Việt Nam “Dân tộc, khoa học, đại chúng”
Cách đây đúng 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong tiến trình phát triển của văn hóa nước nhà. Từ đây, nhiệm vụ, phương hướng phát triển văn hóa được định hình, tạo nền tảng cho những bước tiến dài về sau.
Ngày 24.11.1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát TP Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh; đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Văn hóa có liên lạc mật thiết với chính trị; vấn đề đặt ra là phải làm cho văn hóa “vào sâu” trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.
“Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, Người bày tỏ.
Năm 1948, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, nhiều nội dung quan trọng khác đã được đề cập: Văn hóa soi đường quốc dân đi; văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó; Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam...
Trải qua 75 năm kể từ lần tổ chức đầu tiên, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã trở thành một diễn đàn quan trọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp lắng nghe tâm tư, tình cảm, những ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa... Qua đó, giúp cho lãnh đạo nắm bắt, nhìn nhận chân xác những vấn đề từ đời sống văn hóa, văn nghệ, nhất là những bất cập, vướng mắc để điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và lần thứ hai năm 1948 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn đang hồi quyết liệt. Dù vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn dành thời gian, công sức để tổ chức sự kiện mang tầm vóc lâu dài. Mục tiêu cao nhất là thống nhất về mặt tư tưởng, khơi dậy sức mạnh văn hóa, ý chí và nghị lực của đội ngũ văn nghệ sĩ và những nhà văn hóa, góp sức động viên, cổ vũ toàn dân tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược; xa hơn là bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng Tổ quốc XHCN.
Được tổ chức sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, trong bối cảnh cả nước đang dồn tâm sức vượt qua “rào cản” mang tên Covid-19, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (theo kế hoạch, diễn ra vào ngày 24.11) hứa hẹn sẽ mở ra bước ngoặt mới trong mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tin tưởng rằng, qua Hội nghị quan trọng này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa nước nhà sẽ có thêm động lực mới, mạnh mẽ hơn, nhiệt thành hơn để tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xứng đáng với nhiệm vụ, vai trò, sứ mệnh mà Đảng đã giao phó.
MAI LÂM