Ngành thuế và ngân hàng: Phối hợp quản lý, thu thuế kinh doanh thương mại điện tử
Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thuế và Ngân hàng, công tác quản lý, thu thuế trên lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số có chuyển biến cực.
Phối hợp chặt chẽ
Năm 2021, ngành Thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thu thuế trên lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), trong đó đặc biệt quan tâm đến các tổ chức, cá nhân là đối tác của các tập đoàn lớn như: Google, Facebook và các DN nước ngoài đang cung ứng dịch vụ đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam như: Agoda, Booking... Đây là 2 nhóm đối tượng thường xuyên có giao dịch tín dụng phát sinh và có doanh thu lớn.
Cán bộ ngành Thuế hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản kinh doanh TMĐT trên trang https://thuedientu.gdt.gov.vn của ngành Thuế bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: TIẾN SỸ
Ở Bình Định, công tác quản lý thuế và thu thuế trên lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT có sự hỗ trợ tích cực của ngành Ngân hàng. Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, cho hay: Chúng tôi đã ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT cho Cục Thuế tỉnh theo đúng quy định. Hầu hết các đơn vị đã phối hợp, cung cấp cho ngành Thuế tỉnh nhiều thông tin quan trọng về các giao dịch phát sinh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT.
Theo ông Nguyễn Hữu Danh, Trưởng phòng Tin học (Cục Thuế tỉnh), với sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng, trong 10 tháng đầu năm 2021, trong số 400 tài khoản hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT mà ngành Thuế tỉnh đề nghị xác định và cung cấp bảng sao kê, các ngân hàng đã cung cấp 300 bảng sao kê của 121 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền giao dịch phát sinh hơn 1.175 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ngành Thuế tỉnh phân loại các loại hình kinh doanh, dòng tiền phát sinh để tính toán các khoản thuế phải thu.
Hướng dẫn người nộp thuế kê khai thuế và thu thuế
Theo quy định, đối tượng kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT trong lĩnh vực thương nghiệp phải nộp 1,5% tổng doanh thu, lĩnh vực sản xuất là 4,5% và lĩnh vực dịch vụ là 7%. Hiện ngành Thuế đã và đang rà soát, phân loại các khoản doanh thu, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kê khai và thu thuế. Thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân đến cơ quan Thuế kê khai, nộp thuế.
Có doanh thu lớn từ hoạt động kinh doanh hàng điện tử, ông Đ.M.C (ở TX Hoài Nhơn) đã kê khai, nộp tổng cộng 675 triệu đồng tiền thuế tại Chi cục Thuế khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão. Tương tự, ông N.H.L (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) kinh doanh quần áo TMĐT cũng đã nộp 200 triệu đồng tiền thuế tại Chi cục Thuế An Nhơn; bà T.T.T.T (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) kinh doanh hàng mỹ phẩm, quần áo TMĐT cũng đã kê khai và nộp 50 triệu đồng tiền thuế tại Chi cục Thuế Tuy Phước- Vân Canh. Đề cập đến hoạt động kinh doanh và nộp thuế, ông Đ.M.C. nói ngắn gọn: “Tôi kinh doanh sản phẩm hàng hóa công khai, minh bạch, thu nhập chính đáng và luôn xác định nộp thuế là quyền và nghĩa vụ, nên đã chủ động kê khai, nộp thuế đầy đủ”.
Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Nguồn thu từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số vẫn còn rất nhiều tiềm năng, nếu khai thác tốt sẽ bổ sung đáng kể vào ngân sách nhà nước. Bởi vậy tới đây, ngành Thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT; phối hợp tốt với ngành Ngân hàng rà soát đối tượng kinh doanh, xác minh dòng tiền và gửi cảnh báo sai phạm về thuế, đồng thời hướng dẫn các nhóm đối tượng thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định.
PHẠM TIẾN SỸ