TỔ CHỨC TIÊM CHỦNG THEO ĐÚNG QUY TRÌNH CỦA BỘ Y TẾ:
Chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn
Để tích cực phòng dịch Covid-19, công tác tiêm chủng được đẩy mạnh ở các địa phương. Để tránh nhầm lẫn vắc xin cũng như đảm bảo an toàn khi tiêm chủng, ngành Y tế và các địa phương chuẩn bị các điểm tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh và các địa phương tập trung tổ chức các điểm tiêm vắc xin đủ điều kiện phòng dịch, an toàn sức khỏe, tính mạng người dân. Theo đó, tại các điểm tiêm bố trí đủ các khu vực như: Khu vực chờ trước tiêm chủng; sàng lọc, tư vấn; tiêm chủng; theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút. Các khu vực đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng cách giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế, người nhà. Đặc biệt các điểm tiêm chủng phải bố trí theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng, chống dịch.
Cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (người đứng giữa) kiểm tra trang thiết bị, vật tư phục vụ bảo quản vắc xin và tiêm chủng. Ảnh: ĐỖ THẢO
Theo bác sĩ Dương Ngọc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, chúng tôi triển khai các điểm tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế đảm bảo phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Cụ thể các điểm tiêm sẽ có đủ các bàn tiếp nhận, phân loại. Sau đó các bác sĩ sẽ khám sàng lọc và nhập số liệu. Chúng tôi tổ chức kiểm tra từ khâu bên ngoài đến khâu sàng lọc, nhập số liệu, có xác nhận đầy đủ mới tiêm, tất cả đi theo một chiều, có người giám sát nên việc nhầm lẫn rất khó xảy ra.
Để đảm bảo an toàn, tại các điểm tiêm chủng còn chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, các điểm tiêm chủng còn có dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang ngay tại vị trí cửa ra vào. Nhân viên tham gia tiêm chủng phải được tập huấn về an toàn phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bác sĩ Bành Quang Khải, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho biết: Nhân viên tiêm chủng đã được tập huấn tiêm chủng theo từng loại vắc xin. Mỗi loại vắc xin sẽ có kỹ thuật tiêm khác nhau. Vắc xin là một dạng thuốc, nên khi tiêm cho người dân nhân viên y tế phải có kiểm tra đối chiếu để tránh gây nhầm lẫn. Về quy trình tiêm vắc xin, hiện nay Quy Nhơn đang tổ chức theo từng đối tượng, ví dụ như từ 18 - 60 tuổi, 61 - 70 tuổi, trên 70 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú. Mỗi đối tượng sẽ tiêm dứt điểm vào một khung thời gian nhất định chứ không tổ chức nhiều đối tượng trong cùng một buổi tiêm để tránh nhầm lẫn, không kiểm soát được.
Tương tự Quy Nhơn, huyện Tây Sơn cũng triển khai các buổi tiêm chủng theo từng đối tượng. Bên cạnh đó, để hạn chế di chuyển cũng như không gây trộn lẫn người dân ở các địa phương tại một điểm tiêm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh, huyện Tây Sơn tổ chức mỗi xã 1 điểm tiêm để tiêm cho người dân trong xã. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho hay: Chúng tôi tổ chức các buổi tiêm cho từng đối tượng, không tiêm nhiều đối tượng cùng một lúc để tránh gây lộn xộn, khó quản lý. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh đang căng thẳng nên công tác đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe của người dân trước khi tiêm phải sàng lọc thật kỹ. Chúng tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra các điểm tiêm chủng để nắm chắc tình hình.
Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc kiểm soát các điểm tiêm được chú trọng. Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho rằng: Từng buổi tiêm ở các điểm tiêm tập trung cho từng đối tượng cụ thể, trước khi vào bên trong điểm tiêm phải xuất trình giấy tờ, không đủ tuổi, không đúng đối tượng thì không cho vào. Thành phố cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tại từng điểm tiêm để kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn.
Về việc cấp vắc xin cho các địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối cấp về TTYT ở các địa phương. Tùy theo đối tượng sẽ có chỉ định loại vắc xin khác nhau. Ông Bành Quang Khải cho biết thêm: Khoa Kiểm soát bệnh tật của TTYT sẽ tiếp nhận vắc xin do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp. Vì mỗi buổi chỉ tiêm cho 1 nhóm đối tượng, chỉ dùng 1 loại vắc xin nên việc nhầm lẫn đối tượng và vắc xin sẽ khó xảy ra. Nhân viên tiêm vắc xin bao giờ cũng phải kiểm tra nhãn, điều kiện bảo quản. Hơn nữa, mỗi liều vắc xin được đưa ra tiêm phải trải qua các bước kiểm tra ở nơi xuất vắc xin, nơi tiếp nhận vắc xin rồi người trực tiếp tiêm. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách tiêm chủng của tỉnh hoặc của thành phố cũng thường xuyên đi kiểm tra.
ĐỖ THẢO - ĐOAN NGỌC