KHAI THÁC HẢI SẢN MÙA BIỂN ĐỘNG:
Cẩn trọng trước những mối nguy
Sáng 11.11, ở khu vực biển bãi Nồm, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, trời mưa to sóng khá lớn, vẫn có hơn chục thuyền thúng đánh bắt cá gần bờ. Theo người dân địa phương, những ngày biển động lúc đông có khi lên đến hàng trăm thúng, tàu cá công suất nhỏ tham gia khai thác hải sản ở khu vực này.
Một chủ tàu cá ở xã Nhơn Lý (không muốn nêu tên) cho biết, với chừng chục thuyền viên tàu chuyên đi khai thác cá hố bởi khi biển động sóng lớn ở khu vực gần bến cá Nhơn Lý xuất hiện rất nhiều cá hố. Ra khơi tầm 2 giờ sáng, đánh bắt được cá nhiều thì chạy về bến bán cho người chờ sẵn, rồi quay ra khai thác tiếp, có ngày đi 3 - 4 lần có thể kiếm được 15 - 20 triệu đồng, ngày nhiều có thể lên 30 - 40 triệu đồng/ngày. Chia ra thì mỗi người cũng kiếm được một khoản rất khá.
So với tàu cá thì thúng (thường có 1 - 3 người đi) khó chống chọi với sóng lớn khi biển động, nên hoạt động gần hơn quanh quẩn trong bãi Nồm, chỉ cách bờ khoảng vài trăm mét. “Biển động nước đục, cá vào sát vùng ven bờ rất nhiều và dễ mắc lưới hơn nên mình có thể chủ động thời gian đi thúng ra đánh bắt rồi vào, tùy thói quen mà người này đi từ khuya đến sáng hôm sau, người khác lại đi từ sáng đến chiều. Cũng tùy vào con nước, có khi đánh lưới được tổng cộng từ 5 - 10 kg đến 30 - 40 kg các loại cá hố, sòng, ngân, rựa... kiếm từ vài trăm nghìn đồng đến 1 - 2 triệu đồng. Tất nhiên những ai đủ sức chống chọi với mưa lạnh, gan lì trước sóng dữ thì kiếm được nhiều hơn”, ngư dân Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, chia sẻ.
Ngư dân ở nhiều xã, phường ven biển ở Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn có thói quen đưa tàu thuyền ra vùng ven bờ khai thác hải sản trong mùa biển động. Việc này như “con dao hai lưỡi” khi trúng có thể đạt thu nhập cao hơn bình thường, do tầm này lượng tàu cá ra khai thác vùng lộng, vùng khơi giảm nhiều hải sản ít đã đành mà giá cũng rất được. Nhưng cùng với đó là mức độ nguy hiểm do biển động cũng cao vọt lên.
Đêm 23.9.2021, tàu cá BĐ 91549-TS (chủ tàu ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) bị tàu hàng Thái Anh 06 đâm chìm tại vị trí cách bờ biển Cát Tiến, huyện Phù Cát khoảng 2,7 hải lý, chỉ 1 trong 3 thuyền viên thoát chết. Trưa 27.10.2021, tàu cá không có số đăng ký của ông Nguyễn Bổn (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) bị sóng đánh chìm ở cửa biển Tam Quan. Dù lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kịp thời có mặt, nhưng sóng lớn khiến việc cứu nạn rất khó khăn, cuối cùng chỉ cứu được chủ tàu (bị thương), 2 người còn lại thiệt mạng.
Theo ông Bùi Bình Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị TX Hoài Nhơn (đơn vị quản lý cảng cá Tam Quan), đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, thì tàu cá bị chìm là loại nhỏ (không đăng ký, đăng kiểm) khai thác ven bờ, với đặc thù thường mỗi năm đánh bắt 3 tháng mùa biển động (từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch). Đây chỉ là một vài thuyền trong số hàng trăm tàu không đăng ký của ngư dân Hoài Nhơn chuyên khai thác ven bờ mùa biển động.
Hai vụ tai nạn tàu cá trên đều diễn ra trong thời điểm khu vực tỉnh đang chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa to, gió mạnh và sóng lớn trên biển... Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến tuyên truyền vận động, quản lý chặt chẽ, nhất là tàu cá không có số đăng ký, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, phương tiện cứu sinh... khi khai thác hải sản vùng v en bờ mùa biển động, thời tiết nguy hiểm. Đối với thuyền thúng, mức độ thiệt hại về tài sản, người ít hơn tàu cá, nhưng không chủ quan, lơ là...
“Mùa biển động, thời tiết xấu thì nguy hiểm chực chờ nhưng vì mưu sinh đành chấp nhận. Khi trên biển không đoán trước được, nhiều khi chỉ cần vài cơn gió mạnh, sóng lớn bất ngờ đánh lật thuyền thúng. Đã có khá nhiều ngư dân Nhơn Lý chúng tôi nhắm “không xong” thì chủ động bỏ tài sản, nhảy ra khỏi thúng để bơi vào bờ mới giữ được tính mạng”, ngư dân Nguyễn Văn Sơn bộc bạch.
Tại Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh ngày 4.11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Đánh bắt mùa biển động có nhiều cá, nhưng không làm tốt công tác dự báo, thông tin thời tiết nguy hiểm, cảnh báo ngư dân thì nguy cơ rất lớn xảy ra mất an toàn trên biển. Các cơn bão, áp thấp nhiệt đới thời gian qua mức độ ảnh hưởng đến tỉnh Bình Định chưa thực sự nhiều, nhưng đã có ngư dân bị tai nạn chết trên biển. Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương, cần phải rút kinh nghiệm để tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân không đi đánh bắt khi thời tiết nguy hiểm.
HOÀI THU