Trồng và giữ rừng với sự hỗ trợ của công nghệ
Sau gần nửa giờ tuần tra và kiểm tra rừng kết hợp thông tin thực địa và một số chỉ báo từ ứng dụng trên điện thoại thông minh, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn nhanh chóng khoanh vùng một số điểm có dấu hiệu lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá rừng trái phép.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Phòng kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng của công ty giải thích: Nhờ số hóa bản đồ, ứng dụng hệ thống định vị GPS và các phần mềm như: Mapinfo, FME Desktop, Global Mapper... chúng tôi dễ dàng xác định các diễn biến bất thường của rừng cũng như vị trí và đánh giá mức độ thiệt hại, báo cáo về công ty ngay tại chỗ. Nhờ vậy, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí, công sức mà công tác bảo vệ rừng cũng kịp thời và hiệu quả hơn.
Kiểm tra thực địa kết hợp các ứng dụng công nghệ giúp việc quản lý rừng tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đạt kết quả tốt. Ảnh: H.H
Trong trồng rừng, công ty ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống các loại cây sản xuất như: Keo lai mô, bạch đàn lai, các loài cây bản địa, cây hoa cảnh... Cây giống được tạo ra bằng công nghệ này có nhiều ưu điểm: Giữ nguyên phẩm chất di truyền tốt của cây mẹ, đồng đều, sạch bệnh, có thể sản xuất ở quy mô lớn, không phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết. Ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn cho biết: Công ty ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây giống từ năm 2008 và liên tục cải tiến công nghệ. Hiện mỗi năm công ty có thể sản xuất 5 triệu cây giống, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh: Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Gần đây, công ty tiếp tục hợp tác với Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp Việt Nam để sản xuất cây chất lượng cao và chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô các loài giống mới nhằm tăng năng suất, chất lượng rừng trồng.
Đầu tháng 11.2021, Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng GFA (CHLB Đức) có chuyến khảo sát thực địa để đánh giá việc tuân thủ các quy định FSC của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn sau một năm được cấp chứng chỉ. Ông Đỗ Văn Nhân, thành viên tổ đánh giá của GFA cho biết: Chúng tôi giám sát việc thực hiện quản lý, bảo tồn rừng và một số hoạt động thường xuyên như: Trồng rừng, khai thác rừng, chăm sóc rừng. Kết quả cho thấy Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn vẫn đáp ứng tốt các tiêu chuẩn FSC.
Sản phẩm hợp chuẩn FSC có giá trị kinh tế cao hơn bình thường đến 20 - 30%. Việc đáp ứng tốt các tiêu chuẩn FSC giúp công ty nâng cao hình ảnh, uy tín và đảm bảo doanh thu. Ngoài ra, trồng rừng theo chứng chỉ FSC còn góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư ở địa phương. Ước tính bình quân mỗi năm công ty tạo 700 việc làm, tăng thêm thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/năm.
HỒNG HÀ