Nghệ thuật tả động trong điêu khắc Champa
Các tác phẩm điêu khắc Champa thường mở ra không gian tưởng tượng rộng hơn chiều kích vật chất tạo nên tác phẩm, thường khiến ta có thể hình dung tác phẩm trong chuỗi vận động của nó từ điển tích đến thực tế tác phẩm. Tạo ra được cảm xúc thẩm mỹ này là nhờ các nghệ nhân điêu khắc Chăm rất giỏi trong nghệ thuật tả động.
Nghệ thuật tạo hình điêu khắc Champa từ lâu đã trở thành một đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu khảo cổ học, mỹ thuật. Kết quả là có rất nhiều công trình liên quan đến mảng nghiên cứu này, đầu tiên phải kể đến các học giả người Pháp của Viện Viễn Đông Bác cổ - được thành lập năm 1900, để nghiên cứu về khảo cổ học trên toàn bán đảo Đông Dương, trong đó đặc biệt lưu ý đến văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam.
Các học giả Pháp đã khái quát nghệ thuật tạo hình điêu khắc Champa thành các phong cách nghệ thuật khác nhau, tương ứng với các giai đoạn thăng trầm của lịch sử vương quốc này, như: Phong cách Trà Kiệu, phong cách Đồng Dương, phong cách tháp Mẫm (phong cách Bình Định), phong cách Yangmun… Và những phân định về phong cách nghệ thuật Champa được giới khoa học nghiên cứu về văn hóa Champa thừa nhận đến nay.
Phù điêu chim thần Garuda diệt rắn phát hiện tại phế tích tháp Mẫm.
Trong số rất nhiều những tác phẩm điêu khắc Champa phát hiện từ trước đến nay ở miền Trung nói chung, ở tỉnh Bình Định nói riêng, có khá nhiều hình tượng các vị thần và linh vật Champa được thể hiện dưới dạng có 2, 3, hay 5 đầu - phổ biến nhất là điêu khắc rắn Naga. Ngoài ra còn có thể kể đến phù điêu thần Brahma được tìm thấy tại tháp Dương Long có 3 đầu, phù điêu nữ thần Sarasvati phát hiện tại phế tích tháp Châu Thành có 3 đầu.
Phù điêu thần Brahma tìm thấy ở tháp Dương Long được chạm khắc với 3 chiếc đầu khá tương đồng với truyền thuyết về vị thần này trong Ấn Độ giáo - tôn giáo mà người Champa chịu ảnh hưởng rất rõ. Theo truyền thuyết thần Brahma có 4 đầu quay bốn hướng và dĩ nhiên với những phù điêu tạc trên chất liệu đá sa thạch phát hiện tại tháp Dương Long như đang nói đến thì không thể thể hiện được cái đầu thứ tư của thần được, mà ngầm hiểu cái đầu thứ tư này nằm khuất ở hướng còn lại, đối xứng với khuôn mặt chính diện. Chính vì vậy mà tuy chỉ thể hiện được 3 chiếc đầu nhưng lại có đến 4 cặp cánh tay là với ý nghĩa đó.
Phù điêu nữ thần Sarasvati phát hiện tại phế tích tháp Châu Thành cũng được chạm khắc ở trạng thái có 3 đầu. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy cả 3 cái đầu này đều khá tương đồng nhau và đang quay ở những vị trí rất uyển chuyển, nhịp nhàng với điệu bộ của cánh tay tương ứng, cánh tay còn lại đã bị ẩn đi. Điều này có thể cho phép chúng ta có cái nhìn khác theo triết lý của nghệ thuật điêu khắc tả động; nghĩa là cả ba cái đầu kia thực chất chỉ là một.
Không như thần Brahma, nữ thần Sarasvati chỉ có một cái đầu và trong truyền thuyết Ấn Độ giáo cũng không hề diễn giải nữ thần này có 3 cái đầu. Như vậy khi tạo tác hình tượng ba đầu nghệ nhân vô danh xưa muốn truyền tải hình tượng nữ thần đang trong tư thế chuyển động và 3 cái đầu diễn tả ba trạng thái chuyển động của điệu múa, chứ không hẳn là nữ thần có 3 đầu như “thần thoại có gì nghệ nhân sẽ máy móc tả nấy”.
Nghệ thuật điêu khắc tả động cũng thể hiện rõ qua tượng chim thần Garuda diệt rắn Naga phát hiện tại phế tích tháp Mẫm, năm 2011. Trong cuộc khai quật này đã phát hiện được hai phù điêu Garuda diệt rắn đối xứng nhau. Cả hai phù điêu đều diễn tả hành động chim thần Garuda đang trong tư thế diệt rắn Naga với mỏ cong, khỏe đang ngậm chặt đuôi rắn, một tay giữ chặt thân rắn, còn bàn chân có móng vuốt sắc nhọn thì đang giẫm chặt phần cổ rắn, chỉ để phần đầu rắn ngoi lên ngoe nguẩy. Con rắn Naga này cũng được tạc với hai cái đầu, tuy nhiên ở đây rất có thể hai cái đầu rắn được sử dụng để diễn tả chuyển động ngoe nguẩy của đầu rắn khi bị bàn chân có móng vuốt sắc nhọn của Garuda đang giẫm chặt lên phần cổ của rắn, chứ không hẳn là rắn có hai đầu.
Bên cạnh đó, có khá nhiều phù điêu rắn Naga được tạc dưới dạng có 3 và 5 cái đầu và luôn có một đầu ở vị trí trung tâm lớn nhất, chạm khắc rõ nét nhất; còn 2 và 4 cái đầu còn lại có tính đối xứng qua cái đầu trung tâm này và được giản lược đi rất nhiều. Điều này giúp chúng ta liên tưởng đến sự chuyển động lắc qua, lắc lại của đầu rắn Naga, chứ không hẳn là con rắn Naga có 3 hay 5 đầu. Từ những tác phẩm điêu khắc tả động trên ta có thể hình dung trình độ ước lệ tinh tế của các nghệ nhân điêu khắc Champa cổ xưa.
NGUYỄN VIẾT TUẤN