Phụ nữ làm OCOP
Hành trình vượt khó
Vượt qua suy nghĩ phụ nữ chỉ giỏi nội trợ thay vì làm trụ cột kinh tế, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng (SN 1986, ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) đã thành công trong việc tạo nên thương hiệu tinh dầu tràm Xứ Nẫu. Chị Hằng chia sẻ: “Xuất phát từ thói quen dùng tinh dầu tràm cho con vào mùa lạnh, tôi đã mày mò, tận dụng nguồn nguyên liệu là lá tràm gió ngay tại địa phương để làm ra sản phẩm. Khi tìm hiểu về tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tôi đã thay đổi cách thức, chuyển từ thu mua nguyên liệu sang tự trồng, đầu tư thêm trang thiết bị, trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu để đảm bảo thành phẩm đạt yêu cầu”. Đều đặn mỗi tối, chị Hằng tranh thủ thời gian cuối ngày, khi con đã ngủ để học thêm nhiều cách làm mới, đồng thời vạch ra kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm. Tình yêu quê hương và lòng tự hào nơi chôn nhau cắt rốn được chị thể hiện ở tên gọi “đứa con tinh thần”: Tinh dầu tràm Xứ Nẫu. Chị giải thích, làm vậy để bất kỳ ai cầm trên tay, đều biết rằng sản phẩm này đến từ miền đất Võ. Ròng rã nhiều năm trời, tháng 10 vừa qua, thương hiệu của chị đã chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP.
Chị Hằng giới thiệu sản phẩm tinh dầu tràm Xứ Nẫu đạt chuẩn OCOP tháng 10 vừa qua. Ảnh: L.DƯƠNG
Vốn là giáo viên đứng trên bục giảng, quen cầm viên phấn, cây bút, chị Trần Thị Thu Thủy (SN 1969, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) đã tập cầm cuốc, dang nắng hằng giờ liền để bón phân, trèo cây, theo sát tiến độ phát triển của từng gốc bưởi. Chị chia sẻ: “Khi mới làm, tôi hay bị choáng và say nắng bởi chưa quen việc. Nhưng muốn sản phẩm phải đạt chất lượng đúng theo quy định của OCOP, tôi đã tự mình chăm từng cây bưởi một, tránh tình trạng cây được cây mất, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của địa phương”. Vậy là, 60 cây bưởi da xanh sau bao lần giâm, ghép, đã cho ra lứa sản phẩm đạt chuẩn OCOP đầu tiên vào năm 2019. Từ đó đến nay, chị Thủy vẫn chu đáo chăm nom, vun xới vườn bưởi. Nhờ đó, đều đặn hằng năm, vườn bưởi cho năng suất ổn định từ 4 - 6 tấn, trở thành mô hình OCOP tiêu biểu của huyện Hoài Ân.
Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường
Từ sản phẩm của cá nhân phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP), vừa giúp chị em phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập vừa góp phần giữ vững giá trị của thương hiệu truyền thống địa phương. Chị Đào Thị Phương Viên (SN 1980), chủ gian hàng OCOP Cazin tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), chia sẻ: “Sau khi đạt chuẩn OCOP, uy tín của thương hiệu được nâng cao, doanh số nhờ đó được cải thiện. Đặc biệt, việc liên kết với đối tác cũng thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho thương hiệu tiếp tục vươn xa”. Tương tự, với tiêu chí “chất lượng đi đôi với danh tiếng địa phương”, chị Thúy Hằng tiếp tục duy trì chất lượng từng chai tinh dầu tràm. Điều này đã giúp thị trường kinh doanh của chị mở rộng ra Bắc vào Nam và mang lại cho chị thu nhập ổn định với hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Chị còn có tích lũy để đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.
Không chỉ làm giàu chính đáng cho mình, nhiều phụ nữ còn chủ động liên kết, hỗ trợ các hộ dân trong vùng cùng xây dựng sản phẩm OCOP. Tại phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), sau khi đạt giải thưởng cấp vùng cuộc thi trực tuyến Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu OCOP” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với sản phẩm ghế nhựa giả mây, chị Tôn Thị Lệ My (SN 1994) đã mở xưởng, hướng dẫn kỹ thuật đan lát cho phụ nữ ở đây nhằm mở rộng mô hình, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại huyện Hoài Ân, với tư cách là vườn bưởi da xanh đạt chuẩn OCOP đầu tiên ở địa phương, chị Thu Thủy cùng các hộ dân, trong đó có nhiều chị em, liên kết với nhau xây dựng mô hình “Gia đình cùng làm OCOP” để tăng hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, giúp thương hiệu Bưởi Hoài Ân sớm có mặt trên thị trường thế giới. “Không gì hạnh phúc bằng việc sản phẩm quê nhà do chính tay mình trồng nên được bạn bè quốc tế đón nhận. Bởi vậy, OCOP chính là cách tốt nhất để chứng minh, phụ nữ có thể tự mình vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương”, chị Thủy chia sẻ.
LINH DƯƠNG