Mùa mưa và Má
Tản văn của TRẦN VĂN THIÊN
Chỉ mới nửa hoàng hôn nhưng trời đã sầm sập tối, “ngày tháng Mười” mà… lẫn trong tiếng gió vi vút là tiếng lục đục ở hiên sau. Má lẳng lặng mở nắp chum đong gạo nấu cơm chiều, rồi quày quả bằm rau để trộn với lúa cho bầy gà đang chờ ngoài bậu cửa. Hơi ấm củi than lạc trong tiếng bằm rau đều đều nhẫn nại. Một đỗi lại nghe tiếng cơm sôi réo rắt khi lửa trong lò đã vơi, rồi tiếng má rót nước vào chiếc bình thủy cũ kỹ đặt sẵn dưới chân bàn trà cho ba… Những thanh âm của hàng ngàn hàng ngàn buổi chiều thân thuộc nuôi tôi lớn lên, nhưng thanh âm đơn sơ mà ngày nào đó nếu vắng đi tôi biết cuộc đời mình sẽ cô quạnh lắm.
Nhà tôi ở ven đầm Thị Nại vừa đủ gần để nghe được tiếng sóng, hơi gió mằn mặn; vừa đủ xa để thả lòng cho những cánh đồng mơn man. Nhà ven đầm luôn lộng gió tứ bề nhưng chưa bao giờ thiếu hơi ấm vì đã có má. Mỗi sớm mai, mỗi chiều tà, chỉ cần nghe được những thanh âm thuộc về má, từng tấc lòng còn được tưới tắm bởi những ngọt lành, ấm áp bình yên thì nỗi bình yên lạ lùng ấy còn khiến tôi trào nước mắt mà không phải vì khói bếp cay nhòa. Tôi chịu tiếng con trai mà… mít ướt từ nhỏ đến giờ, đến nỗi nhiều khi ở giữa Sài Gòn nghe tiếng má lạc trong tiếng gió đông, hắt vào cuộc điện thoại chị gọi đã mấy lần tôi bật khóc ngon lành.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN HIỀN
Mùa đông năm ấy, vét cạn tới đáy chum mà lon gạo vẫn mới chỉ lưng lửng, tiếng lon cào vào thành chum mảnh như vết xước thôi nhưng khiến chị em tôi ghì nhau tấm tức khóc vì thương má. Má giấu nỗi buồn vào đáy mắt, theo ba khăn gói lặn lội tha phương lên Tây Nguyên. Má lâu nay không quen xa con dù chỉ một ngày, nhưng chẳng thể làm khác. Ở nhà chỉ có mấy chị em, trời như cũng buồn lây nên sáng chiều cứ mưa xối xả, nước lênh láng tràn đê làm xóm nhỏ mất điện cả tuần. Năm đó chị Hai vụt lớn lên như mụt măng tre bên hông nhà, chỉ một ngày xa ba mẹ mà đã vươn lên vững chãi. Đêm tối nằm nghe tiếng ếch nhái thắt thẻo, lẫn v ào tiếng mưa nẫu ruột, lần đầu mấy chị em thấm thía nỗi nhớ má khôn nguôi.
Tháng năm nhanh như chớp mắt, đứa nhỏ là tôi ngày nào đã lớn lên từ những tằn tiện, chắt chiu của má. Quăng mình vào dòng đời xuôi ngược, đôi khi nhói lòng nhớ những buổi chiều ở hiên nhà, má ngồi thong thả nhặt rau, sau lưng là chị tôi chăm chú chải đầu, nhổ tóc sâu cho má. Xõa mái đầu thuở ấy còn dày và đen nhánh, má thủ thỉ với chị về một tập phim vừa xem tối qua, kể lại những mẩu chuyện năm nảo năm nào, nhắc tôi có xỏ dép đi chơi thì không được để đầu trần dang nắng. Chị tôi mặc tấm áo hoa cà, ngồi trên chiếc ghế nhỏ, vừa tỉ mẩn vạch tìm tóc sâu vừa hồn nhiên nói cười. Mớ rau trong rổ vài cọng đã lả ngọn vì cái nóng rực mùa nắng. Bên cạnh là những bông bí vàng mới hái còn lấm tấm phấn hoa. Má khoe buồng chuối trong vườn vừa kịp ngày giỗ, túm cá đồng mới mua vừa rẻ vừa tươi. Luôn tay xào nấu, lau chùi, dọn dẹp rồi má chợt dừng tay má bâng quơ chép miệng thở dài, nhớ ngày nào ngoại còn gánh đôi thùng nước, giờ cây gậy đã mòn nhẵn dấu tay. Chỉ là những vụn vặt đời thường, nhưng được nghe má nói, má cười, tôi thấy mình như sống lại sau bao nhọc nhoài sóng gió.
Nghe nói ở quê nhà mưa dầm dề suốt cả tuần rồi, không biết ở nhà ba má với chị có làm sao không. Sốt ruột mà gọi điện về bao giờ má cũng gắt nhẹ, con đi học ở trọ, nước bờ cơm bụi, má ở nhà không lo cho con thì thôi, sao lại lo ngược cho má… Nghe tiếng má, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng chị ơi ới giục lũ cháu… cứ muốn sải thật nhanh mà bay về nhà. Dáng má ngồi quạt lửa nấu cơm, tiếng bước chân má chậm rãi lên nhà, mùi dầu gió đượm vạt áo mỏng, vị mắm cơm má muối đậm đà… từng chút, từng chút một tôi muốn gom nhặt thật nhiều những gì thuộc - về - má. Để khi nhắm mắt lại, dù đang lăn lộn nơi đâu, tôi cũng thấy có má ở bên mình…