Rắc rối hậu... hoa hậu
Vụ hoa hậu Diễm Hương không trung thực khi khai hồ sơ thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới để Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) liên tiếp ra các công văn “bủa vây” chưa kịp lắng xuống, thì việc hoa hậu các dân tộc VN 2011 Triệu Thị Hà xin trả danh hiệu lại ầm lên. Nhưng xem tận mắt bản viết tay “Đơn xin trả lại danh hiệu” của Triệu Thị Hà mới biết đơn này được Hà viết từ ngày 26.4.2013 có thêm phụ chú “cam kết không phát biểu và đưa thông tin gì với báo chí về mọi thông tin về cuộc thi, về danh hiệu”.
Không hiểu vì lý do gì sau hơn một năm, câu chuyện trả danh hiệu này mới “bung” ra. Và lật giở lại các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ở ta nhiều như nấm sau mưa mấy năm gần đây, mới thấy đằng sau danh hiệu hoa hậu là trái đắng không dễ nuốt một khi chiếc vương miện được đội lên đầu các thí sinh! Tất nhiên, rất nhiều cô gái đã “đổi đời” tích cực sau những cuộc thi kiểu này, và họ là những người thuộc về phần trăm may mắn.
Gần như luật thành văn và bất thành văn, sau các cuộc thi người đẹp - hoa khôi - hoa hậu, những người đoạt giải dù nhận được hiện kim là bao nhiêu chăng nữa cũng sẽ phải tham gia hàng loạt hoạt động từ thiện do ban tổ chức (BTC) sắp xếp hoặc tình nguyện. Những hoạt động từ thiện này sẽ “ngốn” hầu hết số tiền thưởng mà họ được nhận.
Trả lời trên một tờ báo, Triệu Thị Hà cho biết cô nhận được 100 triệu đồng tiền thưởng, chịu 10% thuế thu nhập, trích 30% để làm từ thiện theo thỏa thuận tự nguyện trước cuộc thi, chi trả 54 triệu đồng cho trang phục, còn lại vài triệu đồng cô cũng tặng hết cho quỹ khuyến học ở Cao Bằng. Chưa hết, trách nhiệm nặng nề nhất để duy trì các hoạt động từ thiện (cũng là cách duy trì thương hiệu của các cuộc thi nhan sắc chăng?) sẽ đổ lên đầu người đoạt danh hiệu cao nhất một tháng, hai tháng, một năm hay thậm chí là hai năm như thỏa thuận của hoa hậu Triệu Thị Hà với Công ty Ciat trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN lần thứ 2-2011.
Hào quang của vương miện đúng là song song cùng sức nặng và sự... kìm kẹp của nó. Cũng giống như hợp đồng độc quyền ca sĩ (“Phía sau hợp đồng độc quyền ca sĩ”, Tuổi Trẻ ngày 18.7.2013), thử ngó vào biên bản thỏa thuận của Ciat với hoa hậu Triệu Thị Hà trong hai năm mà Ciat cung cấp cho Tuổi Trẻ cũng thấy sự chặt chẽ đến khắc nghiệt và không phải là không có những ràng buộc khá ngặt nghèo.
Theo biên bản này, trong hai năm Triệu Thị Hà sẽ chịu sự giám sát, quản lý của Ciat về tất cả các hoạt động như trả lời báo chí, truyền hình, chụp ảnh, hoạt động từ thiện, giao lưu văn hóa, ký kết hợp đồng quảng cáo và trình diễn thời trang. Cô cũng phải cam kết không quan hệ tình cảm cá nhân... và nếu không thực hiện những nội dung trên hoặc gây hậu quả thì Hà sẽ phải bồi thường 2 tỉ đồng, bị tước danh hiệu và chịu các hình thức kỷ luật - một chi tiết đáng kể nếu so với giải thưởng 100 triệu đồng. Và Triệu Thị Hà sinh năm 1992, người dân tộc Nùng, khi đăng quang hoa hậu cô mới chỉ 19 tuổi. Trước khi bản thỏa thuận được ký (ngày 10.12.2011), Triệu Thị Hà (cùng các thí sinh vào chung kết) cũng đã phải tự viết tay một bản tự nguyện cam kết (thật ra là chép lại từ một bản mẫu do BTC đưa ra) trong đó còn có yêu cầu nếu đoạt danh hiệu hoa hậu, á hậu thì thí sinh sẽ không được phép kết hôn và sinh con trong thời gian hai năm kể từ khi đoạt danh hiệu.
Không biết đây có phải là lý do mà tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN lần thứ 3-2013, thí sinh đoạt danh hiệu Người đẹp du lịch Phạm Thanh Tâm đã trả lại danh hiệu mà nguyên nhân theo cô trả lời trên nhiều báo là do “cách cư xử thiếu tôn trọng và bắt ép thí sinh quá mức của BTC”. Khi tham dự cuộc thi hoa hậu, Phạm Thanh Tâm công tác tại Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Cần Thơ. Sau cuộc thi, cô lâm bệnh nên xin phép cơ quan nghỉ một tuần. Nhưng BTC cuộc thi đã về Cần Thơ gặp lãnh đạo Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để thông báo Thanh Tâm vi phạm hợp đồng với Ciat, yêu cầu cô phải trở về TP.HCM để giải quyết việc này. Thanh Tâm phản đối những yêu cầu này, cho rằng hợp đồng đã ký từ trước lúc đoạt giải, do đó việc quản lý này chỉ áp dụng khi cô còn là thí sinh cuộc thi. Sau cuộc thi, cô có quyền trở về với công việc như trước đây, bởi thế nên cô quyết định thông báo trả lại danh hiệu.
“Tôi đâu biết làm hoa hậu lại khổ thế” - câu than thở của Triệu Thị Hà có vẻ như cũng chính là nỗi nhọc nhằn xám xịt đằng sau ánh hào quang lấp lánh.
* Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 TRIỆU THỊ HÀ :
Tôi hoàn toàn bị động trong mọi việc
Chiều 22.5, hoa hậu Triệu Thị Hà đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Đăng Chương (cục trưởng Cục NTBD). Theo Triệu Thị Hà, nội dung làm việc khá ngắn gọn. “Cục NTBD muốn xác nhận lá đơn xin trả lại vương miện có phải do chính tôi viết không. Cục trưởng còn hỏi tôi lý do tại sao tôi viết đơn từ tháng 4-2013 mà đến bây giờ cục mới nhận được. Tôi cũng đã xác nhận đó là lá đơn tôi gửi BTC và tôi nghĩ BTC sẽ gửi đến các cơ quan, ban ngành. Tôi cũng xác nhận về những điều tôi phát ngôn trên báo chí là đúng sự thật” - Triệu Thị Hà cho biết.
Chia sẻ về những khúc mắc với BTC cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Triệu Thị Hà cho biết: “Trong thời gian hợp đồng, tôi được mời đóng quảng cáo thì BTC cũng không đồng ý mà tôi không biết lý do cụ thể. Tôi tự chụp một bộ ảnh đăng báo cũng bị chị Kim Hồng mắng là vi phạm hợp đồng. Sau khi đăng quang, BTC có nói là sẽ có kế hoạch quảng bá hình ảnh cho tôi. Nhưng suốt hơn một năm sau đó, thực tế BTC chỉ nói chứ không có kế hoạch cụ thể nào. Thậm chí các cuộc gặp mạnh thường quân, tiếp xúc nhà tài trợ tôi cũng chỉ đi theo chị Kim Hồng chứ không được biết họ sẽ hỗ trợ thế nào cho cuộc thi, có thỏa thuận nào hay không”.
“Có hai lần chị Kim Hồng báo tôi tham gia chương trình nhưng gấp quá tôi không sắp xếp được thì bị nói là không làm tròn trách nhiệm của một hoa hậu. Trong suốt thời gian ràng buộc hợp đồng, tôi hoàn toàn bị động trong mọi việc, vì việc gì cũng phải thông qua BTC, họ có đồng ý thì tôi mới được làm. Các sự kiện quảng bá do BTC tổ chức thì cũng diễn ra khá thưa thớt” - Triệu Thị Hà chia sẻ.
Đến tháng 4-2013, do vướng lịch tham gia hoạt động dày đặc trước cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, Triệu Thị Hà cho biết cô bày tỏ ý định xin nghỉ vài hôm nhưng BTC chỉ cho cô hai lựa chọn: hoặc là theo tới cùng hoặc làm đơn xin trả lại danh hiệu để người khác làm thay. “Tôi thật sự không muốn từ bỏ vương miện bởi đó là thành quả của những cố gắng, nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, lúc đó tôi ở vào thế phải viết”. Trả lời thắc mắc của Tuổi Trẻ về việc tại sao không nêu rõ những khúc mắc với BTC cuộc thi trong lá đơn này, Triệu Thị Hà nói: “Lúc đó tôi không đủ bình tĩnh để nghĩ được gì. Chị Kim Hồng hướng dẫn tôi viết đơn”.
* Bà ĐOÀN THỊ KIM HỒNG (trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam):
Triệu Thị Hà không làm tròn bổn phận hoa hậu
Cũng trong chiều 22.5, bà Kim Hồng đã có cuộc gặp mặt báo chí về những lùm xùm xung quanh lá đơn xin trả lại vương miện của Triệu Thị Hà. Trong cuộc gặp này, bà Kim Hồng khẳng định: với những việc đã làm, Triệu Thị Hà không làm tròn bổn phận của một hoa hậu, phát ngôn không đủ sự thật. Bà Hồng cũng phủ nhận việc dọa dẫm tước danh hiệu của Triệu Thị Hà khi cô trình bày vì lý do sức khỏe nên xin nghỉ ngơi vài ngày.
“Trong thời gian Hà giữ vương miện, chúng tôi đã tạo điều kiện rất nhiều để Hà thay đổi nhưng Hà đã không thiện chí, cô ấy không nhận ra những nhược điểm của mình” - bà Hồng nói. Giải thích về lý do tại sao hơn một năm, lá đơn xin trả lại vương miện của Triệu Thị Hà mới được biết đến, bà Kim Hồng khẳng định: “Vào tháng 4-2013, trước khi có lá đơn xin rút danh hiệu, chúng tôi đã có báo cáo về những vi phạm của Triệu Thị Hà gửi các thành viên BTC, ban chỉ đạo, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Ủy ban Dân tộc, Cục NTBD. Sau đó, tôi cũng tìm mọi cách đưa Hà đến gặp các bộ ban ngành để hứa Hà có điều kiện phục thiện. Hà cũng có hứa là tiếp tục đồng hành với cuộc thi nhưng chỉ được một hai hôm rồi lại thôi. Khi đó, buộc tôi phải yêu cầu Triệu Thị Hà xác định tương lai của mình như thế nào. Hà nói rằng Hà muốn như vậy chứ không hề bị ép buộc gì cả. Vì cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013 đang trong giai đoạn nước rút nên chúng tôi tính để lại sau cuộc thi. Sau đó cũng liên tiếp xảy ra nhiều chuyện nên chưa thể làm việc trực tiếp với các bộ, ban ngành”.
Về hướng giải quyết lá đơn của Triệu Thị Hà, bà Kim Hồng cho biết hiện vẫn chờ ý kiến của các bộ, ban ngành liên quan để có hướng xử lý. Hiện nay, báo cáo của BTC cuộc thi đã được gửi đến các cơ quan có liên quan như Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL, Ủy ban Dân tộc cũng như địa phương đăng cai là TP.HCM, ban cố vấn cuộc thi để tham vấn ý kiến.
Xung quanh vụ việc này, Tuổi Trẻ cũng đã cố gắng liên lạc với cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương nhưng bất thành.
HÀ HƯƠNG
. Theo C.KHUÊ - H.OANH (TTO)