Công điện chỉ đạo ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tại miền Trung
Ngày 15.11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 22/CĐ-VPTT gửi các tỉnh thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và các bộ ngành chỉ đạo ứng phó với diễn biến mưa lũ.
Công điện nêu rõ, từ ngày 8-14.11, tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có mưa to đến rất to, lũ các sông lên BDD1, BĐ2, có sông trên BĐ3; dự báo từ ngày 15-18.11, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 150-300mm có nơi trên 350mm; ở Quảng Trị, Khánh Hòa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, các Bộ, ngành thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa, lũ vừa qua;
Thứ hai, tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ;
Thứ ba, rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn;
Thứ tư, tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông;
Thứ năm, chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du;
Thứ sáu, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về mưa, lũ, xả lũ của các hồ chứa để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh;
Thứ bẩy, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;
Thứ tám, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Mưa lớn trên 530mm, nhiều tuyến đường bị chia cắt, sạt lở
Theo báo cáo nhanh ngày 15.11, của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ 19 giờ ngày 11.11 đến 19 giờ ngày 14.11, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có mưa to đến rất to, phổ biến 250-450mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Mỹ Thọ 533mm, hồ Diêm Tiêu 514mm, hồ Mỹ Thuận 503mm (Bình Định); Ba Cung 425mm, Phổ Phong 425mm, Ba Tơ 386mm (Quảng Ngãi); Xuân Lộc 306mm, Sông Hinh 303mm (Phú Yên).
Những ngày qua, mưa lớn ở miền Trung đã làm 1 người chết (Khánh Hòa) và 1 người mất tích ngày (Ninh Thuận); 1 nhà bị sập (Lâm Đồng);
Ngập lụt đã gây chia cắt một số điểm tại đường tỉnh ĐT 639, 636, 640 tại tỉnh Bình Định; đường tỉnh ĐT 650 tại tỉnh Phú Yên; sạt lở tại Quốc lộ 1D, 27C, đường tỉnh ĐT 633 và một số điểm giao thông nông thôn tại Bình Định và đường tỉnh ĐT 642, 646 tỉnh Phú Yên. Hiện các tuyến đường đã thông xe.
Về thủy lợi, phòng, chống thiên tai: 1,2km bờ sông, bờ biển và 755m kênh bị sạt lở. Về Nông nghiệp: 742ha lúa, 88ha hoa màu và 64ha nho, táo bị ngập,…
Theo Chinhphu.vn