NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH:
Rộn ràng tập luyện
Cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh khởi động tập luyện các vở diễn mới để sẵn sàng phục vụ công chúng...
Ngay khi tỉnh có chủ trương “mở cửa”, Sở VH&TT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại gắn với đảm bảo quy định an toàn phòng dịch. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã diễn báo cáo tổng duyệt vở tuồng “Xử án Mộc Đài Sơn”; triển khai cho Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định tập luyện các vở mới, gồm: Vở tuồng “Nước Nam niềm khát vọng” (tác giả Đoàn Thanh Tâm) và vở bài chòi “Cô thần” (chuyển thể từ kịch bản văn học của tác giả Văn Trọng Hùng). Dự kiến giữa tháng 12.2021, hai vở này sẽ được diễn báo cáo tổng duyệt.
Nhiều ngày qua hai sân khấu của Nhà hát thường xuyên rộn rã tiếng đàn, tiếng hát của các nghệ sĩ hăng say tập luyện. Tại một sân khấu của Nhà hát, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đang tập vở bài chòi “Cô thần” nói về Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ - một trung thần của nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn lùi vào quá vãng, Trần Văn Kỷ lui về quê ẩn nấp. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và cho người về tận nhà Trần Văn Kỷ vời ông ra kinh thành phục vụ nhà Nguyễn, song trên đường về kinh, giữ trọn lòng trung với nhà Tây Sơn Trần Văn Kỷ đã tự sát .
Diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đang tập vở tuồng “Nước Nam niềm khát vọng”. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NSND Hoài Huệ, đạo diễn vở bài chòi “Cô thần”, chia sẻ: Dịch bệnh khiến việc tập luyện gặp một số khó khăn nhất định, nhưng hầu hết diễn viên, nhạc công của đoàn rất nỗ lực tập luyện với mong muốn mang đến những vở diễn mới đặc sắc để phục vụ khán giả sau đại dịch.
Hào hứng khi được trở lại sân khấu, nghệ sĩ Dương Nữ Thùy Dung, diễn viên Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, vui vẻ cho biết: Trước đó, các diễn viên được phân vai tự chủ động ở nhà học thuộc kịch bản. Khi mới “mở cửa” trở lại, chúng tôi đến nhà hát tập theo nhóm nhỏ, ai có vai diễn thì đến tập theo lớp diễn để hạn chế tập trung đông người. Từ đầu tháng 11 đến nay, cả đoàn mới tập chung. Được trở lại sân khấu, chúng tôi rất phấn khởi, sẵn sàng cho những buổi diễn mới.
Tại một sân khấu khác của Nhà hát, khi tôi đến Đoàn tuồng Đào Tấn tất bật luyện tập vở tuồng “Nước Nam niềm khát vọng” kể về vua Thành Thái - một ông vua triều Nguyễn có lòng yêu nước, thương dân, có tư tưởng chống thực dân Pháp. Ông chấp nhận bị phế truất khỏi ngai vàng và lưu đày biệt xứ ở đảo La Réunion - châu Phi, thay vì làm ông vua bù nhìn dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Cho đến cuối đời, ông vẫn sống kiêu hãnh với tinh thần yêu nước.
NSƯT Hoàng Ngọc Đình, đạo diễn vở tuồng “Nước Nam niềm khát vọng”, tâm tình: Chưa khi nào mà việc tập luyện hay biểu diễn nghệ thuật khó khăn như năm nay. Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch từ mấy tháng trước, tôi lần lượt làm việc với lãnh đạo nhà hát, từng bộ phận một như: Âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu và các nhóm diễn viên để cùng nhau lên kế hoạch tập luyện theo nhóm. Trong mỗi buổi tập, chỉ những nghệ sĩ, diễn viên có vai trong tiết mục, phân cảnh mới góp mặt. Nay cả đoàn mới ráp lại luyện tập tổng thể cùng với ánh sáng, cảnh trí sân khấu.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết thêm: Cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm giới thiệu nghệ thuật tuồng, bài chòi Bình Định trên website của đơn vị; tính toán phương án đăng các trích đoạn tuồng, bài chòi của Bình Định trên YouTube chúng tôi còn chuẩn bị phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định ghi hình 2 vở bài chòi “Thanh gươm công lý”, “Chuyện tình nàng Sita” và vở tuồng “Nước Nam niềm khát vọng” vào cuối năm nay.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN