Miệt mài nghiên cứu viết tuồng
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐH Quy Nhơn, năm 2013 anh Lê Công Phượng (SN 1983, quê ở tỉnh Hưng Yên) về công tác tại Phòng Tổ chức - Hành chính, Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh). Thế rồi chỉ 2 năm sau, cơ duyên từ “nguồn lửa” mà NSƯT Nguyễn Gia Thiện (đã mất) truyền cho đã đưa anh rẽ sang lĩnh vực khác - sáng tác kịch bản tuồng.
Anh Phượng kể: Làm trong Nhà hát có điều kiện đọc các tài liệu nghiên cứu tuồng, nhận thấy bộ môn nghệ thuật này sử dụng nhiều chất liệu biền ngẫu, Đường thi, lục bát, thể văn hường, lối… vốn phổ biến trong văn học trung đại, nhất là chữ Hán Nôm được học trong trường, tôi thấy thích và tập nghiên cứu với sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Gia Thiện. Cũng chính ông đã điều tôi từ Phòng Tổ chức - Hành chính sang Phòng Nghiên cứu nghệ thuật để tôi có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn về tuồng.
Tác giả Lê Công Phượng. Ảnh: NVCC
Lê Công Phượng vừa nghiên cứu tuồng qua tài liệu, vừa theo chân Đoàn tuồng Đào Tấn đi lưu diễn khắp nơi để quan sát diễn viên, nhạc công biểu diễn nhằm hiểu hơn về tuồng. Anh cũng được nhiều nghệ sĩ của Nhà hát, như: NSND Xuân Hợi, NSND Minh Ngọc, NSND Hoài Huệ, NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Kim Thành… tận tình chia sẻ, chỉ bày để làm giàu kiến thức về nghệ thuật sân khấu.
“Sáng tác kịch bản tuồng cần phải hiểu rõ về văn học và sân khấu, thực tình mà nói cả vốn liếng văn học lẫn kiến thức về sân khấu của tôi đều mỏng. Sinh thời thầy Nguyễn Gia Thiện hay động viên, biết mình thiếu để có hướng bồi trúc là tốt, không biết và cứ tưởng mình có đủ mới là nguy. Sau nhiều năm được các cô, chú nghệ sĩ gạo cội chỉ dạy nhiều, tôi cũng đỡ hơn!”, anh Phượng chia sẻ.
Tròn 8 năm công tác, anh Phượng đã sáng tác 5 kịch bản tuồng, gồm: Vở tuồng “Phía sau quyền lực” sáng tác năm 2019 khi tham gia Trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; vở “Nữ tướng Lê Chân” theo sự gợi ý của NSND Hòa Bình, đạt giải khuyến khích của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2019; vở “Giữ nước” viết năm 2020 đạt giải B của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; vở “Phượng hoàng Trung Đô” viết năm 2021 do NSND Hoài Huệ gợi ý - vở tuồng này được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đang dàn dựng, dự kiến cuối tháng 11 này sẽ diễn báo cáo tổng duy ệt.
“Tôi vẫn đào sâu nghiên cứu những đặc trưng của nghệ thuật tuồng để viết. Tôi cũng từng viết lời ca làn điệu bài chòi, hướng tới sẽ cố gắng tìm hiểu học hỏi thêm nghệ thuật bài chòi Bình Định để nắm bắt và sáng tác kịch bản bài chòi…”, anh Phượng chia sẻ thêm.
ĐOAN NGỌC