Một cuốn sách, một món quà
Là tên tập tạp bút của nhà giáo Lê Từ Hiển vừa ra mắt bạn đọc tháng 11.2021. Pha trộn chất nghiên cứu và lối viết tung tẩy nghệ sĩ, 10 tạp bút và 5 bài thơ nhỏ trong sách ăm ắp những hình ảnh thân thương về mái trường, phấn bảng, tình cảm thầy - trò.
Trong văn của mình, có lúc Lê Từ Hiển đứng ở tâm thế của một thầy giáo, nhưng cũng có lúc ông lùi lại ở vị trí một người học trò nhỏ, ở vị thế nào “dạy và học với ông cũng là cõi thiêng liêng. Càng yêu nghề, càng ý thức về nghề bao nhiêu, ông càng ngẫm nghiệm, soi chiếu lại mình: “Trong ý nghĩa tương tác giữa Thầy và Trò, giữa dạy và học… muôn đời thầy giáo đúng nghĩa - không chỉ là tấm gương cho học trò - mà ngược lại, tự soi mình vào mắt học trò, tự đo lại mình, tự điều chỉnh, tự phản tư… (Mắt học trò - Gương soi).
Từ những luồng suy nghĩ đa chiều, soi chiếu vấn đề bằng nhiều nguồn sáng ông cất lên tiếng lòng đầy tâm huyết - “Nhìn vào, cứ tưởng nhà giáo thì thanh thản, an nhàn cứ như thánh hiền. Nhưng ngẫm kỹ, trong cơ chế đào tạo - sử dụng, đứng lớp - kiêm nhiệm, không khí chính trị - xã hội, đầu vào - đầu ra, lý tưởng và thực thi; số tiền lương trong sáng và nhu cầu thực tế, lòng yêu trọng học trò theo tinh thần dân chủ tự do khai sáng và ngành nghề mưu sinh, tâm huyết - năng lực và lý tưởng mình ký thác cho học trò góp phần làm nên sản phẩm - con người và nhu cầu thực tế biến đổi của xã hội, thực học và bằng cấp… thì giáo viên như một cái máy được lấp đầy những lập trình, còn trống chỗ nào cho tự do phát triển trí tuệ cá nhân, quan điểm giáo dục, hoài nghi tích cực, cách thức tư duy, phương pháp cá biệt… Đội ngũ trí thức đông dần, bằng cấp giăng đầy, học vị học hàm đầy dần… mà thật khó tìm một thầy với hai bàn tay trắng - trí tuệ đầy - tâm hồn thương yêu - phong cách độc đáo - hết lòng vì học trò một cách hồn nhiên (Khoảng trống đời Thầy).
Đọc Thầy ơi đêm cũng là ngày, ta như được lắng lòng lại với bao thân thương tháng năm nghĩa thầy trò. Gấp lại cuốn sách, trong vui buồn ngẫm ngợi, những an lành tri ân cuối nhặt như còn vọng lại, tựa như những câu thơ ngọt lành, ấm áp mà tác giả đã viết: “Để chiều xuống em còn nghe thầy giảng/ Cơn mưa đầu tiên đẫm nắng trong vườn/ Giữa tiếng ve ran bốn bề ký ức/ Có giọt mưa thấm ướt ở trong nhau”.
Nhà giáo Lê Từ Hiển là cựu giảng viên khoa Ngữ văn (nay là khoa KHXH&NV) - ĐH Quy Nhơn. Ngoài công việc giảng dạy Văn học nước ngoài, ông viết văn, làm thơ và là chủ biên của nhiều đầu sách nghiên cứu có nhiều giá trị cao về học thuật
ĐỨC LINH