Nhen một hy vọng
Trước đây, xóm Trà Cang (tức xóm Lò Nồi cũ), khu phố Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ có hơn 30 hộ chuyên theo nghề làm đồ gốm đất nung, sau nhiều năm sa sút nay chỉ còn 12 hộ. Để duy trì và tiến tới khôi phục nghề, Hội Nông dân huyện và UBND thị trấn Phù Mỹ đã hỗ trợ, tổ chức cho cả 12 hộ này sinh hoạt trong Tổ hội nghề nghiệp đồ gốm xóm Trà Cang (thuộc Chi hội nông dân khu phố Trà Quang).
Bà Đông khoe sản phẩm “nhí” làm theo yêu cầu của khách hàng ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: B. NGÂN
Bà Ngô Thị Đông, 60 tuổi, thành viên của Tổ cho hay: Gia đình tôi làm gốm đến tôi là đời thứ tư rồi, ngày xưa mỗi tháng gia đình tôi đưa ra thị trường vài nghìn sản phẩm với hàng chục loại như: Vò, chậu, ấm, lò, nồi… rồi đồ nhôm, nhựa, inox chiếm mất chỗ của đồ đất nung, nghề sa sút dần. Nhưng mấy năm gần đây tôi cũng như một số hộ khác tích cực tìm các nơi tiêu thụ mới, từ đó phát hiện ra một số nhu cầu mới khiến việc sản xuất cũng khả quan hơn. Ví dụ như gia đình tôi thì tìm được khách hàng mới ở TP Hồ Chí Minh, người ta yêu cầu sản xuất những sản phẩm tương tự như trước nhưng với kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều, dạng sản phẩm nhí này phục vụ cho công tác giảng dạy tại các trường mầm non; cùng với đó là một số mẫu hàng lưu niệm.
Tương tự ông Nguyễn Tấn Ánh, 57 tuổi, chia sẻ: Nay đơn hàng gốm của tôi chủ yếu bán ra TP Huế, vẫn là những sản phẩm quen thuộc như: Vò, nồi, niu… nhưng yêu cầu chất lượng cao hơn, mẫu mã tinh tế, đường nét sắc xảo hơn. Lò nhà tôi cũng nhận làm một số mẫu hàng theo yêu cầu, đơn cử là một số mẫu hàng phục vụ việc tang chế.
Ông Ánh, bà Đông cũng như một số hộ khác tâm sự, trước đây chính quyền địa phương rất quan tâm, mời tập huấn, ngỏ ý hỗ trợ đầu tư máy móc để đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm… tuy nhiên bà con không ai dám nhận hỗ trợ vì khi ấy rất bí đầu ra. Bà con cũng đã thử tráng men cho sản phẩm để cải thiện hình thức, nhưng kết quả không tốt như mong muốn. Vì thế đến giờ bà con vẫn làm gốm đất nung nhưng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã.
Do dịch Covid-19 bùng phát nhiều thành viên của Tổ phải ngừng sản xuất. Ông Kiều Tấn Phong, 70 tuổi, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp xóm Mỹ Cang trải lòng: Chúng tôi là những người cuối cùng còn đồng hành với nghề gốm Trà Cang. Các thế hệ con cháu đều không mặn mà với nghề này, khi chúng tôi mất đi có lẽ nghề này cũng sẽ mất theo, như thế sẽ rất đáng tiếc. Dù đã có một số biến chuyển đáng mừng nhưng tôi nghĩ bấy nhiêu thì chưa đủ. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ quan, tổ chức chung tay, góp sức để giữ gìn nghề gốm đất nung bởi một khi mất rồi thì rất khó dựng lại.
BẢO NGÂN