“Gieo chữ” trên núi cao
Có đến tận nơi và đặt chân lên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) mới thấm thía phần nào nỗi nhọc nhằn của những người đang ngày đêm “gieo chữ” nơi vùng cao lưng lửng mây trời.
Thầy Phạm Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này trường có 340 học sinh (HS), trong đó 98% con em dân tộc Bana. Trường có 1 điểm chính và 6 điểm trường lẻ ở các làng. Năm học này, O2 có 24 HS tiểu học và 8 HS THCS theo học bán trú ở điểm trường chính. Tỷ lệ HS ra lớp đạt 100%, không có HS bỏ học giữa chừng, 100% HS được lên lớp thẳng.
“Cõng chữ” lên O2
Con đường độc đạo lên O2 là những dốc dài dựng đứng, người khỏe cũng phải mất hơn một buổi đi bộ luồn rừng, leo dốc, lội suối. Bá Xuân, Trưởng làng O2 cho biết: Làng nằm xa trung tâm xã Vĩnh Kim, đi lại hết sức khó khăn, đến nay điện lưới quốc gia vẫn chưa về đến làng O2. Đời sống còn thiếu thốn lắm, nhưng bà con đã hiểu được cái đói, cái nghèo là do không có nhiều kiến thức nên họ muốn cho con đến trường để kiếm cái chữ. Với sự quan tâm của huyện và các ngành, làng O2 đã có được ngôi trường khá khang trang.
Thầy giáo cắm làng O2 mang con chữ về cho học sinh. Ảnh: XUÂN DŨNG
Với hơn chục năm thâm niên, thầy giáo Đinh Ướt, người cắm làng O2 ngay từ những ngày đầu mở trường, tâm sự: Dạy tiếng Việt cho bọn trẻ ở đây cũng như dạy ngoại ngữ vậy. Từ nhỏ các cháu chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên muốn dạy cho các cháu môn tiếng Việt, trước hết phải dạy nói tiếng Việt. Khi đã thành thuộc những nét chữ, con số thì HS mới dần dần líu ríu viết ra. Nhìn HS cắm cúi đánh vần từng con chữ dưới ngọn đèn dầu mới cảm nhận được những cực nhọc của mình trên con đường đèo dốc về làng chẳng thấm vào đâu. Bởi vậy, mỗi giáo viên được phân công một “nhiệm kỳ” là 3 năm, nhưng khi về điểm trường chính, thấy nhớ các em, tôi lại xung phong lên đây dạy tiếp.
Điểm trường O2 hiện có 5 khối lớp (1, 2, 3, 4, 5), số HS mỗi khối lớp ít, nên trường tổ chức thành 2 lớp ghép, phân công 3 thầy giáo có sức khỏe, thông thạo tiếng Bana giảng dạy. Cũng bởi khó khăn nên điểm trường O2 nhà trường chỉ bố trí giáo viên nam. “Đường sá xa xôi, hiểm trở nên giáo viên lên dạy đều ở lại điểm trường, thường thì hai tuần mới về nhà một lần, có khi vài tháng. Thấy những khó khăn của thầy giáo bám làng, người dân lúc bấy giờ có gạo góp gạo, có rau góp rau, có miếng thịt cũng góp để nuôi thầy giáo. Chúng tôi thấy mình như con của làng”, thầy Nguyễn Văn Nghiêm - vừa hoàn thành nhiệm kỳ 3 năm tại O2, tỏ bày.
Đến nay duy nhất có 1 phòng học tin học trang bị ở điểm chính của trường. Ảnh: MAI HOÀNG
“Dẫu còn nhiều khó khăn vất vả trong chuyện dạy và học, nhưng với sự quan tâm của người dân, cùng nỗ lực của HS, được thấy các em trưởng thành, biết được con chữ là niềm hạnh phúc to lớn, món quà quý giá nhất cho nghiệp “trồng người””, thầy Đinh Văn Cảnh chia sẻ.
Quan tâm, gần gũi, dìu dắt trò
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim có 53 giáo viên hầu hết từ miền xuôi lên Vĩnh Kim dạy học. Thầy cô đều phải bám trường, bám lớp, gần gũi, quan tâm học sinh, cùng ăn, cùng ở và vận động HS đến lớp hằng ngày. Ngày dạy học cho trò, đêm về nhiều giáo viên cần mẫn đứng lớp xóa mù chữ cho người lớn ở thôn, làng.
“Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng, trong đó có sự đóng góp của thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim. Ngành giáo dục huyện động viên giáo viên bằng việc chăm lo xây dựng nhà ở công vụ, sinh hoạt hằng ngày…”.
Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh
Dù đã được các cấp, ngành quan tâm, nhưng chuyện dạy và học ở Vĩnh Kim còn nhiều gian nan. Hiệu trưởng Phạm Minh Sơn cho hay, HS hầu hết là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức, khả năng tiếp nhận kiến thức còn hạn chế. Gia đình các em khó khăn, nhiều em không có cả tiền để mua sách vở đi học… Điều kiện dạy và học của nhà trường cũng chưa thể đáp ứng, phòng học xuống cấp, thiếu thốn trang thiết bị, phòng chức năng và phòng bộ môn, sân chơi bãi tập cho HS chưa đảm bảo.
Khó khăn là vậy, nhưng trường luôn quan tâm chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp tâm sinh lý HS dân tộc thiểu số; chú trọng rèn luyện các em tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới. Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành, giao lưu để phát triển, nâng cao tố chất, tiềm năng của HS, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập đối với HS bán trú; tạo cơ hội để HS rèn luyện, giao tiếp tiếng Việt.
“Chúng tôi mong các cấp chính quyền và ngành giáo dục quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đầu tư xây dựng phòng học chức năng, phòng học bộ môn, nhà công vụ và đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên. Riêng với HS, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh phải tự bỏ tiền ra mua sách giáo khoa để học gây khó khăn cho phụ huynh, rất cần có hỗ trợ sách giáo khoa hằng năm để các em có điều kiện học tập”, thầy Phạm Minh Sơn nói trút lòng.
MAI HOÀNG - XUÂN DŨNG