Ðể văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh
“Ðể văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” là định hướng mang tầm chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.
Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở tuồng “Thạch Sanh” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Ảnh: N.V.T
Từ định hướng đó, yêu cầu quan trọng đặt ra là nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam.
Đồng thời, có kế hoạch, cơ chế và giải pháp nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc với việc xây dựng con người, phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc cho mọi người Việt Nam, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
“Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam”.
(Trích bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Bên cạnh đó là xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người Việt Nam; làm cho văn hóa thấm sâu vào trong toàn bộ đời sống và các hoạt động xã hội. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển KT-XH là trung tâm; xây dựng Đảng toàn diện là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Đáng chú ý, Đảng chỉ rõ: Sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng môi trường văn hóa đạo đức lành mạnh trong cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị. Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và ngoài xã hội. Phải thực sự xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tiễn địa phương, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của mỗi địa phương. Tập trung giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm xã hội; ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Cùng với đó là đầu tư nâng cấp, tôn tạo, bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử, di tích cách mạng và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; duy trì và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa - thể thao. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam
Một trong những giải pháp mới nổi bật về định hướng phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới; đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa trong nước và quốc tế.
MAI LÂM